![]() |
Ảnh: Dactrung.net. |
Tiến sĩ Võ Thị Hạnh, chủ nhiệm đề tài, cho biết: Tại Việt Nam, cồn được sản xuất chủ yếu từ gỉ đường mía. Do giá nguyên liệu quá đắt và công nghệ lạc hậu, tốn nhiều chi phí sản xuất nên sản phẩm cồn không có sức cạnh tranh cao.
Để thu được 1 lít cồn, cần có 4 kg rỉ đường mía, giá 6.400 đồng cho phí nguyên liệu, còn nếu dùng sắn thì chỉ tốn 2,5 kg với chi phí 1.200 đồng. Cũng có thể sản xuất cồn bằng bã sắn, nguồn phế phẩm của các nhà máy chế biến tinh bột sắn (hiện cả nước có khoảng 28 nhà máy bột mì). Mỗi lít cồn cần khoảng 15 kg bã.
Quy trình sản xuất gồm: nghiền nát nguyên liệu, đường hoá tinh bột, lên men và chưng cất. Điểm ưu việt của công nghệ này là có thể tận dụng nguồn nguyên liệu, tiết kiệm tối đa chi phí.
Tiến sĩ Hạnh cho biết, việc dùng sắn và bã sắn sản xuất cồn còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường do việc phơi bã để sản xuất thức ăn cho gia súc. Bã sắn có độ ẩm đến 80% nên khi phơi dễ bị nhiễm khuẩn, sinh ra mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ngoài ra, công nghệ sản xuất cồn Ethylic từ sắn còn có thể thu thêm nhiều sản phẩm khác có giá trị kinh tế cao như khí CO2 lỏng, phân vi sinh và than bùn.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam)