Tháng 9/2020, nhóm cần thủ huyện Con Cuông câu được hai con trắm đen nặng 35-36 kg tại đập Khe Là, xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ. Cần thủ Lê Khánh Hòa, 29 tuổi, trú xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, sau đó cũng đến đập "thử vận may".
Tập câu cá từ năm 10 tuổi, theo chuyên nghiệp đầu năm 2020, Hòa cho biết trước đây không tìm hiểu kỹ về trắm đen, sau này mới biết là loài được nhiều quốc gia xếp vào hàng "thủy quái" bởi trọng lượng lớn. Anh muốn chinh phục con trắm đen nặng khoảng 40 kg để lập dấu mốc mới cho nghề.
Lần đầu đến Khe Là câu cá trong 10 ngày, Hòa ra về với hai chiếc cần gãy, lưỡi câu đứt hàng chục cái. Dịp hè và đông hàng năm anh đều quay lại Khe Là hàng chục lần để săn trắm đen.
Hòa chia sẻ câu cá như đánh trận, thấy cá bơi trước mặt vài mét, thở và quẫy đuôi. Nhưng dưới đáy đập có nhiều nhà cửa, cây cối, khi cá mắc bẫy thì rất khó bắt. Lần nào giằng cần cũng gặp trục trặc, trắm đen cỡ lớn cắn câu rồi cuốn vào nhà cửa, cây cối khiến đứt dây.
Vì bận công việc nên tháng 6/2023 Hòa cùng 3 người bạn mới trở lại Khe Là chinh phục mục tiêu dang dở. Lần này trời nắng, Hòa nghĩ "99% là hỏng", tự nhủ câu cho vui rồi về, không nặng nề việc phải bắt bằng được "thủy quái". Anh sử dụng cách câu đài, xả ốc nhỏ trộn thính để dụ cá đến, sau đó móc ốc lớn vào hai lưỡi câu có dây cước nối với cần làm bằng carbon.
Sau hai ngày, Khe Là đang từ oi bức bỗng chuyển sang dịu mát. Chờ mãi không thấy cá cắn câu, Hòa nói với đồng nghiệp Dương Quang Hào, 40 tuổi, "đánh nốt trận lục rồi về". Hai người chuyển sang câu lục, xả mồi vào một điểm nhất định tại đập, đặt lưỡi lục tam tứ phía dưới, nối với phao ở trên. Bố trí xong "trận địa", họ thay nhau ngồi ôm cần quan sát mọi động tĩnh dưới nước.
Sau cơn mưa đầu giờ chiều, cá liên tục ngoi lên mặt nước thở, Hòa đoán "đêm nay dễ đụng hàng". Bởi sau mưa là thời điểm vàng để câu vì cá hay đi kiếm mồi theo đàn, trong đó có con lớn. Nhóm Hòa lặn xuống đập ở độ sâu 6-7 m để lấy bớt gậy gộc bên dưới, đề phòng nếu va phải cá khủng thì đỡ rủi ro.
Đầu giờ tối, mặt đập gợn sóng, cần rung lắc mạnh, Hòa lập tức giật mạnh, cần thủ Hào hỗ trợ cầm dây cước kéo vào. Sau 3 phút, họ mừng rỡ khi bắt được con trắm đen nặng 29 kg. Nhưng Hòa bảo với cả nhóm "đó chưa phải là hàng khủng, hôm nay thời tiết ủng hộ, kiên trì giăng bẫy tiếp biết đâu gặp điều kỳ diệu".
Một tiếng sau, Hòa ngồi trên bờ thì nghe tiếng quẫy mạnh dưới nước. Cần thủ Hào đang trực cần hét lớn: "Hòa ơi, hàng về rồi. Hỗ trợ với, anh không thể giữ được". Hòa nhảy xuống đập cầm cần câu, lúc này con cá đang kéo dây cước phi thẳng ra ngoài xa. Anh lập tức khóa máy để cá không thể kéo dây cước nữa.
Hòa giải thích khóa máy câu để "solo" với cá. Pha này được đánh giá mạo hiểm, tỷ lệ mất cá cao. Nhiều khả năng xảy ra, có thể đứt dây, rách thịt cá, ngoác lưỡi câu và xấu nhất là gãy cần và máy câu, thiệt hại vài chục triệu đồng. Nhưng với con cá được đánh giá "khủng", Hòa chọn phương án một mất một còn bởi dưới đáy là "thiên la địa võng", không có lựa chọn thứ hai.
"Cầm cần câu mà tay chân em bủn rủn", Hòa kể. Anh bặm môi giữ chặt cần, lôi mạnh cá rồi từ từ vào bờ.
Bị mắc câu dưới độ sâu khoảng 6 m, con cá quẫy mạnh, giằng co với cần thủ. Sợi cước dài hơn 30 m căng như dây đàn. Sau 3 phút, bị kéo lên mặt đập cách bờ 2 m, cá quẫy tung tóe khiến bọt trắng xóa một vùng bán kính hơn 6 m.
Cảm nhận cá bị đuối sức khi vùng vẫy nhiều, một thành viên dùng vợt cỡ lớn bắt gọn. "Khống chế cá mất 5 phút bởi nó quá khỏe. Kéo dài thêm vài phút nữa chắc em không trụ nổi. Cả nhóm hò hét, cảm xúc vỡ òa vì sung sướng", Hòa kể lại.
Con trắm đen nặng 40 kg, được nhà chức trách địa phương ghi nhận là lớn nhất từ trước tới nay mắc câu tại đập Khe Là. Trắm đen tên khoa học là Mylopharyngodon piceus, thuộc họ cá chép, có thể dài 1,5 m, nặng hơn 60 kg. Chúng ăn các loại ốc, nhuyễn thể ở sông, ao hồ. Giá cá trắm đen thường đắt gấp ba lần cá trắm trắng, loại to khoảng 150.000 đồng/kg.
Lê Khánh Hòa chia sẻ từ lúc đặt mục tiêu bắt cá khủng cho đến lúc hoàn thành là 2 năm 9 tháng. Bán trắm đen 40 kg cho một khách ở TP HCM được 50 triệu đồng, Hòa dùng số tiền này mua gạo, mì tôm... đi làm từ thiện ở Đăk Nông, đồng thời mua 5 tạ cá giống thả xuống đập để góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản. Với con cá nặng 29 kg, anh đưa về làm thịt, chia cho mỗi người một ít để thưởng thức đặc sản hiếm có của Khe Là.
Bài tiếp: Chàng trai thất nghiệp đổi đời nhờ câu cá