Từ ngày trồng rau bằng mô hình trụ đứng khí canh, sân thượng 50 m2 nhà Phan Thanh Hiếu (26 tuổi, Bình Chánh) đã có thêm không gian để anh đặt bộ bàn ghế mây, ngồi uống trà, ngắm phố. Trước đó, khi Hiếu trồng bằng hệ thống thủy canh, đến cả việc len lỏi để bắt sâu cũng khó.
"Mình từng trồng nhiều mô hình như thủy canh, chậu đất... nhưng cảm thấy khí canh cho nhiều ích lợi nhất. Đi làm cả ngày không chăm sóc, nhưng ngày nào cả nhà cũng có bữa rau thoải mái, thậm chí cho cả xóm không hết", Hiếu nói.
Hiểu một cách đơn giản, khí canh là hình thức trồng cây không cần đất - cây lớn được nhờ môi trường không khí có chứa các giọt dinh dưỡng, dưới dạng sương mù. Ở những mô hình truyền thống, rễ cây thường xuyên ngập trong nước hoặc đất, rễ ít oxy sẽ phát triển chậm hơn.
Ưu điểm của vườn thẳng đứng này là chỉ cần diện tích nhỏ cũng đặt được một trụ rau. Hiếu đang trồng khoảng 20 trụ xà lách, cải xanh trên sân thượng 50 m2. Có trụ cho thu tổng cộng đến 8 kg rau.
Từ kinh nghiệm nhà mình, sau 2 năm, Hiếu đã lập một nhóm trồng trụ đứng khí canh có hơn 500 thành viên ở nhiều tỉnh thành, giúp họ có ban công nhiều rau. Theo khảo sát của anh, mỗi tháng có khoảng 15 thành viên trong hội lắp mới, kinh phí ban đầu khoảng 10 triệu đồng.
Khí canh trụ đứng đã trở nên quen thuộc với nhiều người từ năm 2018. Hiện tại, mô hình này được nhiều hộ gia đình miền trong sử dụng, như TP HCM hay Đà Lạt...
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), với mô hình trụ đứng khí canh, người trồng có thể thu hoạch gấp 4-5 lần sản lượng rau, củ, quả trên cùng một diện tích so với trồng trên đất, mà chỉ mất vài phút chăm sóc mỗi ngày. Cây ra từ khí canh còn có kích thước lớn hơn hẳn so với trồng đất và thủy canh.
Chị Trần Thị Lan (40 tuổi, Hà Đông, Hà Nội), mới trồng khí canh 2 tháng nay. Chị cho biết, trước kia trồng rau luống, phải đi xách nước tưới gây đau lưng. Nay đã không còn tình trạng này do một lít nước đã đủ dùng 3 - 4 ngày. "Từ lên giống, chăm sóc, thu hoạch đều một tay tôi làm vì không tốn nhiều sức lực", chị chia sẻ.
Theo chị Lan, không khó để tìm mua trụ khí canh, tuy nhiên chị phải đặt từ TP HCM vì Hà Nội chưa có cơ sở sản xuất cho hộ gia đình. Khi mua về, chị chỉ tốn 10 phút lắp ráp và cắm điện là có thể sử dụng. Dù chi phí đầu tư ban đầu gấp 3 lần trồng đất thông thường, hóa đơn tiền điện tăng khoảng 300 nghìn mỗi tháng, nhưng chị vẫn hài lòng vì ưu điểm của mô hình này.
Mỗi chiều đi làm về, chị Lan thong thả dạo quanh vườn rau như bước vào khu rừng nhiệt đới mát mẻ. Con chị cũng có thể chạy chơi thoải mái ở đây mà không sợ làm đổ các kệ như trước.
Trọng Nghĩa