Trong Covid-19, thương mại điện tử Việt Nam chưa cất cánh như nhiều dự báo. Hai nguyên nhân chính được nhiều chuyên gia đưa ra gồm các sàn tiết giảm chính sách ưu đãi và hành vi tiêu dùng xáo trộn liên tục. Đối diện với các thách thức trên, nếu các đơn vị sàn thương mại điện tử "khó một" thì các nhà bán lẻ cỡ trung và cỡ nhỏ "khó mười" khi đánh mất người tiêu dùng, không đủ tiềm lực tài chính để duy trì kinh doanh. Giai đoạn phục hồi cũng khó khăn hơn.
Từ tháng 5, sau khi xã hội trở lại nhịp sống bình thường, một số sàn thương mại điện tử (thương mại điện tử) đã tung nhiều ưu đãi, chính sách mới. Bên cạnh kỳ vọng đón đầu mua sắm giữa năm của người dân, đây còn là biện pháp của các sàn nhằm phục hồi doanh số và trợ lực cho các nhà bán hàng xoay chuyển tình thế.
Tăng nhu cầu, tăng dịch vụ
Khảo sát của Nielsen Việt Nam cho thấy 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. Chưa kể 35% số người được khảo sát dành nhiều thời gian hơn xem nội dung trực tuyến, 25% tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến.
Nhìn ở một góc độ tích cực, dịch Covid-19 đã là một "cú hích" để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của cho các nhà bán lẻ. Các nhà bán hàng trước đây vốn còn dè dặt với thương mại điện tử thì trong giai đoạn qua đã sẵn sàng "lên app" để đón bắt hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến.
"Có cả những mặt hàng trước giờ người ta e ngại mua qua mạng thì giờ đã có thể bán trực tuyến, tức người mua tăng thêm nhu cầu, còn người bán thì tăng thêm dịch vụ, sàn thương mại điện tử thì đóng vai trò chất kết dính tốt để kết nối hai phía", một chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng nhận định.
Đơn cử, trước đây thực phẩm tươi sống hoặc nông sản vốn là mặt hàng khá kén người mua qua mạng, do những lo ngại về quy trình lưu trữ, vận chuyển không duy trì được độ tươi ngon. Thế nhưng, trong năm 2020 đây lại là những ngành hàng bán chạy trên nhiều sàn thương mại điện tử Việt như Lazada với cam kết giao hàng trong 2 giờ đồng hồ. Hiện tại, đây là mốc thời gian giao nhanh nhất đối với mặt hàng này trên thị trường thương mại điện tử.
Sagrifood là một trong những doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm tươi sống nhanh chóng tận dụng nền tảng online để bứt phá. Trong đợt sale diễn ra vào trung tuần tháng 6 vừa qua "Sale Hè rực rỡ" trên Lazada, Sagrifood ghi nhận số đơn hàng tăng gấp 40 lần so với ngày thường.
Đồng thời, sàn này cũng rất nhanh nhạy khi triển khai giải pháp giao hàng không tiếp xúc thông qua tủ khóa thông minh ngay khi dịch Covid-19 vừa bùng phát tại Việt Nam, qua đó đáp ứng nhu cầu hạn chế tối đa các tương tác trực tiếp giữa với nhân viên giao hàng, đảm bảo giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh và ổn định kinh doanh cho các nhà bán lẻ.
So với cùng kỳ năm trước, tổng số nhà bán hàng mới của Lazada tại 6 quốc gia trong khu vực tăng gấp 8 lần mỗi ngày. Riêng tại Việt Nam, ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết số lượng nhà bán hàng tham gia thương mại điện tử cũng tăng trưởng đột biến.
"Các tư vấn viên liên tục nhận cuộc gọi và email từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ với câu hỏi làm thế nào để họ có thể bán hàng trên Lazada ngay ngày mai", vị CEO này cho biết.
Giảm giá, giảm phí
Người Việt ưu ái cho các sàn thương mại điện tử vì mang lại những giá trị thiết thực, ở đây bao gồm cả người tiêu dùng lẫn nhà bán hàng. Đối với người tiêu dùng, giá trị của món hàng là mối quan tâm lớn nhất, có thể kể đến gồm chất lượng sản phẩm, trải nghiệm mua sắm và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Giá trị cũng chính là mức chi phí cuối cùng được bỏ ra ở mức hợp lý. Khi thỏa mãn được những mong muốn này, khách hàng sẽ quay lại nhiều lần nữa và trở thành khách hàng trung thành.
Nắm bắt nhu cầu đó, bên cạnh các mức giảm giá trực tiếp lên sản phẩm, Lazada là một trong những sàn thương mại điện tử tập trung cải thiện các chính sách phí giao hàng trong giai đoạn vừa qua. Đây cũng là cách thức thiết thực nhất giúp nhà bán hàng vừa và nhỏ, các thương hiệu tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, phục hồi doanh số về thời điểm trước dịch.
Ông James Dong khẳng định, khi phí vận chuyển và giá cả trở thành mối quan tâm của người tiêu dùng, thì việc triển khai hàng loạt ưu đãi miễn phí giao hàng của Lazada trong thời điểm này không chỉ khẳng định vị trí của chúng tôi, mà trên hết là phục vụ cho mục đích và tầm nhìn chúng tôi đang hướng đến: hỗ trợ nhà bán hàng vừa và nhỏ kinh doanh hiệu quả trên Lazada.
"Chính sách miễn phí vận chuyển của chúng tôi sẽ giúp tái kích cầu mua sắm, từ đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể duy trì kết quả kinh doanh về mức bình thường và chuẩn bị tăng tốc", CEO Lazada nói.
Tại hội nghị Thương mại Điện tử 2020 mới đây, bà Vũ Ánh Tuyết - Chánh văn phòng Lazada Việt Nam cũng đã dẫn chứng đã có rất nhiều trường hợp bán hàng trên nền tảng Lazada đạt kết quả rất ấn tượng, lượng người theo dõi và đơn hàng, doanh thu tăng hàng chục lần sau dịch Covid-19 nhờ vào những chính sách hỗ trợ người bán hàng và miễn phí giao hàng. Chị Trương Thị Tâm - chủ gian hàng Myphamhuucospa hay chủ shop Nhã My có mức doanh thu tăng rất nhiều lần so với trước dịch nhờ tăng cường các buổi giới thiệu sản phẩm trên kênh trực tuyến.
Bên cạnh đó, với việc không ngừng nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ và logistics, lợi thế về chuỗi cung ứng, dịch vụ hậu cần và cơ sở hạ tầng hoàn thiện là các yếu tố chính yếu giúp phí giao hàng trên Lazada luôn duy trì ở mức thấp nhưng vẫn đảm bảo thời gian và chất lượng giao nhận chính là điểm mấu chốt giúp người tiêu dùng an tâm khi mua sắm trên Lazada.
Một trong những nỗ lực lớn nhất của Lazada là miễn phí giao hàng không giới hạn, không điều kiện trong khung giờ vàng vào 18/6 thuộc chiến dịch "Sale Hè Rực Rỡ" vừa qua. Số lượng đơn hàng ghi nhận trong khung giờ vàng miễn phí vận chuyển chiếm 80% tổng số lượng đơn hàng ngày 18/6.
Với sức mua tăng cao của người tiêu dùng nhờ vào chi phí giao hàng đã được cắt giảm, bộ phận Lazada Logistics đã phải luôn nỗ lực nhằm mang đến trải nghiệm thông suốt cho khách hàng.
Ông Vũ Đức Thịnh - Tổng Giám đốc Lazada Logistics cho biết doanh nghiệp đã chuẩn bị trước nhiều kịch bản, phương án làm việc cũng như phối hợp hiệu quả với các đối tác và bộ phận liên quan để tối ưu hóa hiệu suất làm việc của các nhân viên giao hàng. Có thể kể đến như việc xây dựng lộ trình đường đi hợp lý; ưu tiên sắp xếp các mặt hàng đặc biệt như thực phẩm tươi sống; hay sắp xếp các ca làm việc hợp lý cho các nhân viên giao hàng.
Nền tảng này luôn nỗ lực để đạt được "hai đảm bảo": đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất, và đảm bảo tối ưu hóa mức chi phí vận hành để mang lại giá trị lợi ích cao nhất cho người tiêu dùng và nhà bán hàng.
Bảo An