Cách Tết gần một tháng, chị Ngân ở Kim Giang, Hà Nội, đã lên danh sách những thứ cần sắm. Chị nghe ngóng đồng nghiệp, hỏi bạn bè chỗ mua thực phẩm ngon, sạch, đảm bảo không chứa chất bảo quản. Mới đây, nghe chị bạn cùng cơ quan mách có nơi bán giò ở làng Ước Lễ, đảm bảo không chứa hàn thẻ, có cả que thử của Bộ Y tế để kiểm nghiệm, chị Ngân phấn khởi.

Sau khi đến tận nơi kiểm tra và ăn thử, chị Ngân mua 3 cân các loại giò bò, giò gà và giò tai về nhà dành ăn Tết. Chị còn xin một ít que thử và dung dịch kiểm nghiệm hàn the để kiểm tra sản phẩm khi lấy hàng.
Với những thực phẩm khác như thịt gà, măng khô, bánh mứt kẹo, chị Ngân cũng cố tìm cho được hàng tươi, không chứa chất bảo quản. "Sợ lắm rồi, toàn ăn hóa chất rồi bệnh tật sớm. Ra chợ chạy 15 phút thì mua cả rổ nhưng chẳng biết chất lượng thế nào nên tôi mới phải cất công như vậy, mẫu mã xấu chút cũng được nhưng quan trọng phải sạch, không phụ gia", chị Ngân chia sẻ.
Chị Mỹ ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội cũng sợ nhất những loại thực phẩm để cả tháng không hỏng. Chị tâm sự, trước kia, mỗi dịp Tết mua thức ăn chất đầy tủ lạnh nên chị rất thích những loại lâu hư hại. Nếu Tết ăn không hết, ra Giêng, chị có thể sử dụng tiếp mà không cần đi chợ.
Nhưng nay biết đến tác hại của phụ gia thực phẩm, chưa kể nhiều cơ sở sản xuất còn sử dụng quá quy định nên chị sợ. Chị Mỹ quay sang mua những loại chỉ giữ lạnh được nhiều nhất một tuần, có thời hạn sử dụng rõ ràng để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
Biết nhiều người cũng thường trực mối lo như mình nên khi được bà chị ở quê biếu 5 kg tự làm để ăn Tết, chị Mỹ lên kế hoạch phân phối luôn cho đồng nghiệp, bạn bè. Nửa tháng kinh doanh thêm mùa Tết, chị tiêu thụ được hơn 100 kg miến, chưa biết hàng ngon đến đâu nhưng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên nhiều người mua về ăn và mang biếu người thân.
Các chất phụ gia thuộc nhóm chất bảo quản được bổ sung vào thực phẩm nhằm kéo dài thời gian sử dụng, bằng cách ngăn chặn, hạn chế biến đổi chất lượng trong thức ăn. Chất bảo quản hiện được chia thành 4 nhóm chính: chống vi sinh vật, chống biến đổi thành phần hóa học thực phẩm, chống biến đổi tính chất vật lý của sản phẩm, chống côn trùng.
Nếu ăn phải thực phẩm có sử dụng phụ gia quá liều lượng trong một thời gian dài, con người sẽ bị ngộ độc hóa học. Ví dụ khi sử dụng thực phẩm có hàn the, 81% chất này trong cơ thể sẽ được đào thải qua nước tiểu, 1% qua phân, qua mồ hôi 3%. 15% còn lại được tích lũy trong các mô mỡ, mô thần kinh, dần dần tác hại trên nguyên sinh chất và đồng hóa các albuminoit, gây ra hội chứng ảnh hưởng sức khỏe. Việc sử dụng phụ gia, nhất là phụ gia tổng hợp có thể dẫn đến nguy cơ hình thành khối u, ung thư đột biến gien, quái thai...
Tác hại của các loại chất bảo quản luôn khiến người tiêu dùng sợ hãi khi mua thực phẩm. Mối lo này lại càng gia tăng khi Tết đến, thời điểm nhà nhà đều trữ lượng lớn thức ăn dùng trong những ngày nghỉ lễ, các đơn vị sản xuất cũng cần làm sớm lượng hàng lớn để cung ứng cho thị trường. Chính điều đó đã khiến thực phẩm không chứa chất bảo quản "lên ngôi" và được các bà nội trợ săn đón.
Thực tế, nhiều loại thực phẩm, khi tươi, sạch thì có lợi cho sức khỏe nhưng nếu chứa chất bảo quản lại gây ra không ít tác dụng phụ. Đơn cử như với mặt hàng sữa chua, hầu hết người tiêu dùng đều hiểu đây là thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Lợi khuẩn trong sữa chua có thể kềm hãm sự phát triển của mầm bệnh, cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thế, làm giảm nồng độ cholesterol trong huyết thanh, giảm cao huyết áp, giúp nhanh chóng bình phục hệ vi sinh đường ruột... Những tác dụng đó chỉ có trong sữa chua đạt chuẩn chất lượng.
Chị Minh Anh, ở Hà Nội chia sẻ, chọn thực phẩm thế nào để đảm bảo an toàn vệ sinh cho cả gia đình đúng là nỗi băn khoăn của hầu hết các bà nội trợ. "Hoa quả thì lo có hóa chất nên lâu nay sữa chua không chất bảo quản đã trở thành loại thực phẩm dinh dưỡng không thể thiếu của cả nhà, nhất là trong dịp Tết thường tràn ngập những món ăn nhiều dầu mỡ, ngọt béo", chị nói.
Theo chị, trên thị trường đang bán quá nhiều thực phẩm dinh dưỡng với nhiều mẫu mã, thương hiệu khác nhau. "Rất khó chọn lựa được sản phẩm thực sự tốt cho sức khỏe không dễ dàng chút nào", chị nói.

Đại diện Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk, doanh nghiệp có sản phẩm sữa chua ăn chiếm đến gần 90% thị phần hiện nay, cho rằng sữa chua đạt chuẩn phải đáp ứng các yêu cầu sau: Tuyệt đối không có chất bảo quản, đồng thời phải được thực hiện theo công nghệ lên men của cơ chế tự nhiên. Người tiêu dùng nên để ý kỹ những thông tin này được ghi trên nhãn, bao bì sản phẩm khi mua và sử dụng sữa chua.
Giới chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng việc quan tâm và đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng chính là "chìa khóa" để các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường. Sự "lên ngôi" của thực phẩm không chứa chất bảo quản mỗi khi Tết đến nói riêng và xu hướng tiêu dùng nói chung đòi hỏi các nhà sản xuất phải đầu tư công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất khắt khe nhất để không sử dụng phụ gia mà vẫn giữ được hạn sử dụng lâu dài cho sản phẩm", một chuyên gia nhấn mạnh.
Công nghệ lên men tự nhiên trong thực phẩm là công nghệ lên men được thực hiện theo cơ chế tự nhiên bởi 2 vi khuẩn lên men lactic là Streptoccocus thermophilus và Lactobaccillus bulgaricus mà không bổ sung bất cứ loại axít nào khác. Việc lên men theo cơ chế tự nhiên có thời gian ủ men kéo dài hơn nhưng đổi lại, sản phẩm sẽ chất lượng và an toàn hơn cho người sử dụng. |
Xuân Ngọc