Lam Điền -
Đầu năm 2006, NXB Công An Nhân Dân tìm cách mua tác quyền tập hồi ký của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, nhưng mãi đến bây giờ vẫn chưa xuất bản được. Lý do là mọi việc thương thảo rất tốn thời gian.
Nguyễn Lệ Chi (thứ hai từ phải qua) đang giao dịch tác quyền tại hội chợ sách Bắc Kinh. Ảnh: PN. |
Bắt đầu việc tìm kiếm cách thương lượng tác quyền vốn gian khổ. "Khi phát hiện một tựa sách hay, rất khó tìm xem ai đang giữ tác quyền. Chẳng hạn như quyển My life của Bill Clinton, chúng tôi đã tìm mãi mới liên lạc được với đơn vị giữ tác quyền là Knopf - một chi nhánh của tập đoàn xuất bản nổi tiếng Random House" - Thu nói thêm.
Việc gian nan ấy kể chưa thấm vào đâu so với hơn 500 email của Công ty Trí Việt gửi liên tục cho Baron’s Education Series, Inc. của Mỹ để thương lượng bốn tựa sách học tiếng Anh. Cuộc thương lượng kéo dài từ tháng 9/2004 đến tháng 9/2005 mới đi đến ký kết tác quyền... Mới đây, NXB Trẻ trong khi tìm cách thương lượng tác quyền quyển sách Thế giới phẳng (The world is flat) đã phải nhờ đến bộ phận thương vụ Lãnh sự quán Hoa Kỳ liên lạc giúp để tìm ra công ty giữ bản quyền.
Ấy là chưa kể các nhân viên giao dịch tác quyền thường phải có nhiều cộng tác viên đang ở nước ngoài chuyên tìm kiếm tác giả và phương tiện liên lạc với các nhà văn.
Mọi thương vụ tác quyền thường kết thúc bằng ký kết trực tiếp. Bởi thế giám đốc Trí Việt đã bay qua New York để gặp giám đốc bản quyền của Baron’s để ký hợp đồng tác quyền. Cách khác, như NXB Công An Nhân Dân đã tìm một cộng tác viên bên Mỹ, để sau khi thương lượng qua thư điện tử xong, cộng tác viên này sẽ làm việc trực tiếp với các đối tác để ký kết.
Nghề ăn nói và... mâu thuẫn
Bộ Chicken soup... nổi tiếng với các câu chuyện về giáo dục nhân cách, được Công ty văn hóa Phương Nam ký hợp đồng tác quyền vào tháng sáu vừa qua. Để chuẩn bị cho một hợp đồng, bộ phận giao dịch tác quyền phải vào cuộc từ rất sớm.
Chị Nguyễn Lệ Chi - trưởng ban dịch thuật và giao dịch bản quyền của Công ty Phương Nam - cho biết: với các đối tác Âu, Mỹ, họ rất muốn biết chúng ta lên kế hoạch xuất bản sách của họ như thế nào.
"Tất nhiên những thông tin về công ty, thị trường, doanh thu, thế mạnh của ta... họ đều cần biết. Nhưng khi ta đặt vấn đề mua quyển sách nào thì họ đều hỏi kế hoạch cụ thể cho việc xuất bản sách ấy".
Do vậy, bộ phận giao dịch tác quyền ngoài việc ngày ngày lên các mạng săn tìm ấn phẩm mới, việc còn lại là hình dung ngay các kế hoạch xuất bản, phát hành, kể cả chi tiết đến giá bìa, mẫu mã... để "chấm" quyển sách nào là bước vào giao dịch ngay.
Kinh nghiệm cho thấy các tập đoàn xuất bản phương Tây rất sốt sắng gửi sách mẫu khi ta yêu cầu, nhưng thương lượng giá cả rất lâu. Việc mua tác quyền thường tính theo hai giai đoạn: đưa trước một khoản "tiền tác quyền" và khi sách in, tiếp tục tính nhuận bút cho tác giả trên giá bìa.
Thông thường các công ty nước ngoài lo ngại một khi bán tác quyền cho VN thì rất khó thu đủ các khoản nhuận bút về sau, nên họ đề nghị mức tiền tác quyền ban đầu rất cao.
Theo kinh nghiệm của Lệ Chi, nghệ thuật thương thuyết trong việc mua bán tác quyền sách thường diễn ra theo hai chiều gần như mâu thuẫn nhau: "Lúc thuyết phục người ta bán sách cho mình, mình cứ phải nói tốt về công ty mình, về thị trường VN, tạo cho người ta cảm giác yên tâm về một quyết định chuyển nhượng tác quyền cho một công ty uy tín ở một thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, khi họ đồng ý bán rồi, đến lúc thương lượng giá cả mình lại phải thuyết phục theo chiều ngược lại, tức là nói những khó khăn về sức mua, mức thu nhập của người dân, những khoản phí về quản lý... để mong kéo giá tác quyền xuống càng thấp càng tốt".
Cũng có khi việc mua tác quyền gặp gian nan do đơn vị đại diện tác giả muốn làm khó dễ để kiếm thêm tiền. Theo Lệ Chi, những trường hợp này thường gặp ở Trung Quốc hơn, và khi đó, tốt hơn hết là mình tìm cách thương lượng trực tiếp với tác giả quyển sách.
(Nguồn: Tuổi Trẻ)