Ngày 10/10, các bác sĩ Khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, cho biết tình huống lúc đó rất nguy cấp, xét nghiệm chỉ số mỡ máu sản phụ tăng cao gấp 10 lần bình thường do viêm tụy cấp. Thai nhi 39 tuần, dự đoán to nặng do mẹ mắc đái tháo đường và từng lọc máu.
Kíp bác sĩ khoa Sản, Nội tiết, Tim mạch và Gây mê hội chẩn, chỉ định sinh mổ ngay, mục tiêu đảm bảo an toàn cho cả hai. Bé gái nặng 5 kg chào đời khỏe mạnh. Cả hai mẹ con tiếp tục theo dõi đường huyết liên tục đề phòng biến chứng hạ đường huyết sơ sinh.
Sau một tuần, các chỉ số đường huyết ổn định, hai mẹ con xuất viện.
Viêm tụy cấp là bệnh lý ít gặp ở phụ nữ mang thai, tỷ lệ 3/10.000 ca, thường xảy ra trong giai đoạn giữa và cuối của thai kỳ. Bệnh có thể diễn tiến nặng, suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận, suy gan, rối loạn đông máu, thậm chí tử vong. Đây là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh có trọng lượng lớn hơn so với bình thường.
Cân nặng của trẻ sơ sinh trung bình khoảng 2,8-3,5 kg nếu sinh đủ tháng. Một thai nhi nặng hơn 4 kg được xem là thai to. Trẻ chào đời nặng 5 kg tương đương trẻ hai tháng tuổi. Trẻ nặng cân cần được theo dõi sát, nguy cơ cao hạ đường huyết vì nhu cầu năng lượng nhiều hơn.
"Sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ, viêm tụy cấp làm tăng nguy cơ phát triển tiền sản giật, tăng huyết áp, sinh non, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, phải sinh mổ do thai phát triển quá to", bác sĩ Trịnh Thị Hồng Hiệp, Khoa Sản, nói.
Bác sĩ khuyên bà bầu nên khám thai định kỳ, điều trị bệnh nền ổn định. Thai vượt quá trọng lượng 3,5 kg, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người mẹ. Đối với trẻ sơ sinh nặng cân, cha mẹ cần theo dõi thường xuyên, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường cần cho bé đến cơ sở y tế để khám.
Kỷ lục trẻ chào đời nặng cân nhất tại Việt Nam thuộc về em bé 7,1 kg ở Vĩnh Phúc, năm 2017. Một bé gái ở Gia Lai chào đời vào năm 2008 cân nặng gần 7 kg. Năm 2014, một bà mẹ ở Quảng Nam nặng 102 kg sinh con 6,5 kg.
Thùy An