Ngày 20/8, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch do khoang màng tim đã có dịch máu, nếu không phẫu thuật kịp thời có thể tử vong do tim bị chèn ép. Ngoài ra, tình trạng hở van động mạch chủ có thể nặng lên gây phù phổi cấp, nhồi máu não cấp.
PGS.TS Vũ Ngọc Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, nhận định đây là ca bệnh động mạch chủ nặng nề, phức tạp và hiếm gặp. Hình ảnh siêu âm tim và chụp cắt lớp vi tính phát hiện lóc động mạch chủ loại A cấp.
Sau hội chẩn, kíp quyết định nút mạch máu tử cung để giảm thiểu nguy cơ chảy máu, sau đó chuyển vào phòng mổ tim. Bác sĩ tái thông động mạch cảnh trái để đảm bảo nuôi não tối ưu, đặt stent và bảo tồn van tim.
Sau ba ngày, người bệnh rút nội khí quản, khối phồng động mạch chủ được xử lý triệt để, động mạch vành bị tắc được tái tạo.
Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất, dẫn máu từ tim, phân nhánh vào những động mạch nhỏ hơn, nuôi toàn bộ cơ thể. Thành động mạch chủ gồm có ba lớp trong, ở giữa và ngoài, dễ bị tổn thương do liên tục chịu áp lực lớn. Trong đó, lóc tách động mạch chủ là lớp thành mạch bên trong bị rách, dòng máu chảy vào lớp giữa và lan dọc theo chiều dài mạch máu, dẫn đến tắc các nhánh nuôi.
Bệnh lóc động mạch chủ có thể xảy ra ở phụ nữ trong và sau sinh. Đây là bệnh lý cấp cứu tim mạch nguy hiểm, diễn tiến nhanh với tỷ lệ tử vong rất cao. Điều trị bằng kết hợp phẫu thuật mở và can thiệp nội mạch. Triệu chứng bệnh thường đa dạng và dễ nhầm với nhiều bệnh lý cấp cứu tim mạch, bụng ngoại khoa khác.
Bác sĩ khuyến cáo khi có triệu chứng đau ngực, người bệnh nên đến bệnh viện, đặc biệt chú ý đến tình trạng đau ngực lan ra sau lưng, cơn đau dữ dội không giảm. Người có yếu tố nguy cơ và tiền sử bệnh tim mạch cần ăn uống khoa học, kết hợp tập thể dục, hạn chế thuốc lá, rượu bia và duy trì điều trị để tránh biến chứng.
Thùy An