Đây là lần mang thai thứ 4 của người phụ nữ, thụ thai tự nhiên. Ba lần trước chị sinh đơn thai, đều là con trai. Như vậy, với lần sinh này, chị làm mẹ của 6 con trai.
Trong suốt thai kỳ người mẹ đi khám, xét nghiệm, siêu âm đầy đủ ở các bệnh viện. Lần này siêu âm thai ở tuần 14 các bác sĩ phát hiện tam thai. Thai phụ dự tính khoảng 34 tuần sẽ nhập viện để sinh, tuy nhiên khám định kỳ ở tuần 32 phát hiện có dấu hiệu sinh nên chị vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Ngày 30/10, đại diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết sau khi chẩn đoán thai phụ có những cơn gò bụng là dấu hiệu sinh, các bác sĩ quyết định đỡ đẻ luôn chứ không chuyển lên tuyến trên nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, cũng như tránh nguy cơ sinh giữa đường. Êkíp y bác sĩ khoa sản đánh giá mặc dù mang thai 3 nhưng sản phụ có khả năng sinh thường tốt. Tuy nhiên để cuộc sinh diễn ra an toàn, kíp trực chuẩn bị đầy đủ mọi phương tiện hồi sức cho mẹ và bé.
"Chỉ trong 5-10 phút, sản phụ đã sinh ra ba bé trai an toàn", đại diện bệnh viện cho hay. Hai bé nặng 1,7 kg, một bé nặng 1,6 kg, do sinh non ở tuần 32 nên được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để chăm sóc sau sinh.
Trường hợp tam thai tự nhiên ít gặp, y văn thế giới ghi nhận tỷ lệ 1/8.000 ca sinh, theo bác sĩ. Thực tế tại Việt Nam thỉnh thoảng một vài bệnh viện ghi nhận ca mang tam thai tự nhiên, phần lớn được sinh mổ do người mẹ không đủ sức rặn sinh thường cả 3 em bé.
Trong một ca sinh thường đơn thai, người mẹ phải trải qua nhiều đau đớn của giai đoạn chuyển dạ. Tùy sức khỏe người mẹ và tình trạng ngôi thai, với điều kiện thai nhi hoàn toàn thuận lợi không xảy ra biến cố thai kỳ, thời gian chuyển dạ có thể vài chục phút hoặc kéo dài cả ngày, thậm chí hai ngày.
Mang tam thai thường gặp hơn ở các ca thụ tinh nhân tạo.
Phước Tuấn