Bệnh nhân sinh con tại Mỹ, ca sinh thường gặp nhiều khó khăn, phải khâu tầng sinh môn - vùng giữa âm đạo và hậu môn. Sau khi xuất viện, vết khâu đau đớn không dứt, chị không thể ngồi ôm con cho bú, quyết định uống thuốc giảm đau liên tục để có thể đi máy bay về Việt Nam điều trị.
Ngày 4/1, TS.BS Tạ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Y khoa, Trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện CIH, cho biết vết may tầng sinh môn của bệnh nhân bị mất hình dạng và cấu trúc bình thường do sẹo co kéo chằng chịt. Những nốt xơ cứng bên dưới lớp da bị căng chắc do sẹo, gây đau đớn tột cùng khi ngồi hoặc khi xoay trở từ hai chân.
"Đây là lần đầu tôi gặp trường hợp vết may tầng sinh môn tạo thành sẹo chằng chịt như vậy", bác sĩ nói. Trước đây, trường hợp xấu nhất là vết khâu bị bung ra, quá trình khâu tái tạo không quá phức tạp. Ca này các bác sĩ phải tỉ mỉ tháo bỏ từng nút thắt ở vết sẹo cũ, giải phóng các sẹo co kéo, tái tạo tầng sinh môn.
Bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật giảm đau gây tê thần kinh thẹn dưới hướng dẫn siêu âm để giải quyết cơn đau, có thể ngồi thẳng, vận động thoải mái, cảm thấy "thực sự được sống lại".
Theo bác sĩ Thủy, nếu không xử lý, vài tháng sau vết sẹo sẽ co kéo nghiêm trọng và dính chặt vào các mô xung quanh. Lúc đó, việc tái tạo tầng sinh môn sẽ vô cùng phức tạp, có thể phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật mới có thể thành công.
Sinh mổ hay sinh thường, những biến chứng sau sinh đều có thể xảy ra. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến vết khâu tầng sinh môn nếu không được xử lý đúng cách có thể gây đau đớn kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người mẹ. Sản phụ nên đến cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn, trang thiết bị hiện đại, để khám, điều trị hiệu quả, tránh biến chứng.
Lê Phương