Gia đình cho biết khi thai 32 tuần, người mẹ khám tại viện tư, nghi ngờ nhau cài răng lược nhưng chỉ theo dõi, không được tư vấn điều trị. Đến tuần 36, bệnh nhân tới Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội làm hồ sơ sinh, được chẩn đoán nhau cài răng lược nguy kịch, chỉ định nhập viện.
Sau hội chẩn, các bác sĩ nhận thấy tuần 37 là thời điểm thích hợp mổ lấy thai chủ động để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi. Tuy nhiên, ca mổ diễn ra khó khăn do tử cung dính vào thành bụng trước, tiên lượng chảy máu nhiều.
"Do đó, kíp cần thao tác nhanh và chuẩn xác, giảm mất máu tối đa cho bệnh nhân", bác sĩ Đỗ Khắc Huỳnh, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết hôm 8/11.
Ca phẫu thuật thành công, bé trai chào đời nặng 3,6 kg, khóc lớn. Bác sĩ cắt tử cung bán phần để lại hai phần phụ, hiện sức khỏe hai mẹ con ổn định.
Bác sĩ khuyến cáo khi mang thai, các sản phụ nên thăm khám và quản lý thai chặt chẽ, nếu nghi ngờ hoặc được chẩn đoán nhau tiền đạo, nhau cài răng lược nên theo dõi và điều trị tại các bệnh viện chuyên ngành.
Béo phì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ và quá trình thụ thai gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ tăng huyết áp, tiền sản giật với nhiều biến chứng nguy hiểm ở bà bầu nặng cân cũng cao hơn thai phụ có chỉ số khối cơ thể bình thường. Nguy cơ thai nhi tử vong trong bụng mẹ béo phì và sinh non cao gấp 2-3 lần bình thường.
Do đó, thai phụ béo phì cần có chế độ ăn uống hợp lý, sử dụng các loại chất dinh dưỡng lành mạnh từ rau, củ, chất béo chưa bão hòa, hạn chế các loại thức ăn chiên xào. Thường xuyên vận động như đi bộ, bơi lội hoặc yoga trước khi sinh giúp điều chỉnh cân nặng và hạn chế cơ thể sản xuất insulin.
Thùy An