Nữ bệnh nhân 27 tuổi quê Bình Phước cấp cứu tại Bệnh viện Từ Dũ ngày 14/5 với thai 36 tuần, ối vỡ, chuyển dạ sinh non con so, tiền sản giật nặng.
Quá trình chuyển dạ do đầu thai nhi không xoay xuống hoàn toàn, bác sĩ quyết định mổ sinh. Bé trai chào đời nặng 3,7 kg, viêm phổi, vàng da sơ sinh và nghi bị dạng nhẹ khớp háng. Bé được chuyển Khoa Sơ sinh để chăm sóc và khám vật lý trị liệu.
Các bác sĩ đã rất khó khăn khi mổ sinh cho thai phụ béo phì. Lượng thuốc gây mê, gây tê sử dụng tăng lên rất nhiều theo cân nặng. Bác sĩ phải có sức khỏe để rạch thành bụng rất dày của sản phụ mới tiếp cận được ổ bụng. Đường rạch phải rộng hơn mới lấy được em bé ra ngoài, khi khâu lại thành bụng cũng cần nhiều lớp hơn, vết mổ lại khó lành, dễ nhiễm trùng.
Ca sinh mổ cuối cùng thành công, sản phụ vô cùng hạnh phúc. Nhiều năm nay chị tưởng chừng không thể có con do di truyền béo phì. Chị lập gia đình năm 22 tuổi, một năm sau có bầu 6 tuần thì bị sẩy thai.
"Lần này từ lúc cấn thai tôi bị nghén rất nặng, đặc biệt ba tháng đầu thai kỳ chỉ thèm uống nước ngọt", sản phụ nói. Từ cân nặng 85 kg trước khi mang thai, chị tăng 10 kg khi ba tháng thai kỳ. Đến khi sinh con, chị tăng tổng cộng 17 kg. Theo khuyến cáo của các chuyên gia sản khoa, mẹ béo phì chỉ nên tăng 5-7 kg suốt thai kỳ.
Bác sĩ khuyên sản phụ sau xuất viện cố gắng vận động và chú ý dinh dưỡng để giảm cân càng nhiều càng tốt, tích cực cho con bú sữa mẹ.
Sản phụ béo phì sinh mổ thành công bé trai nặng 3,7 kg tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Minh Tâm. |
Mỗi ngày Bệnh viện Từ Dũ có khoảng 10 thai phụ đến tư vấn liên quan đái tháo đường và béo phì trong thai kỳ. Nơi đây cũng tiếp nhận nhiều ca sinh khá phức tạp với sản phụ béo phì.
Tại Hội nghị sản phụ khoa Việt Pháp - Châu Á Thái Bình Dương do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức tuần qua, giáo sư Gérard H.A Vissier, Đại học Utrecht, Hà Lan, nhấn mạnh đến các yếu tố nguy cơ của béo phì đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Béo phì ở phụ nữ có liên quan đến khả năng sinh sản và việc thụ thai gặp rất nhiều khó khăn. Trong giai đoạn mang thai của bà bầu béo phì, việc theo dõi thai kỳ cũng khá phức tạp. Tỷ lệ tăng huyết áp, tiền sản giật ở người béo phì cao hơn thai phụ có chỉ số khối cơ thể bình thường. Mẹ bầu béo phì có nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật và nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.
Nguy cơ thai nhi tử vong ở tử cung và sinh non gấp 2-3 lần. Quá trình sinh nở và hậu sản của mẹ béo phì đối diện nhiều rủi ro, tỷ lệ sinh mổ cao, dễ mắc bệnh huyết khối, viêm tĩnh mạch và nhiễm trùng. Trẻ chào đời thường có cân nặng trên 4 kg, kéo theo nguy cơ béo phì trong tương lai.
Thai phụ cần chú ý chế độ dinh dưỡng, vận động. Dung nạp đầy đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, đậu và đặc biệt là đậu nành, hạnh nhân, cá hồi, bông cải xanh, nước cam, sữa, lòng đỏ trứng gà... Hạn chế tối đa các thực phẩm chiên, không sử dụng thực phẩm hoặc thức uống có đường, hạn chế cafein.
Đảm bảo 3 bữa chính và 2 bữa ăn nhẹ với khẩu phần ăn điều chỉnh phù hợp để tránh hạ đường huyết và giảm nguy cơ kháng insulin. Trong 3 bữa ăn phải bao gồm protein động vật (thịt, cá, trứng hoặc sản phẩm từ sữa), rau hoặc tinh bột nấu chín và một thìa dầu thực vật. Nên ăn thật chậm, nhai kỹ.
Bà bầu thường xuyên vận động như đi bộ, bơi lội hoặc yoga trước khi sinh giúp điều chỉnh cân nặng và hạn chế việc sản xuất insulin.