Martin Logan, trụ sở tại Martin Logan (Mỹ), là một hãng audio có uy tín, chuyên sản xuất loa tĩnh điện (electrostatic). Trong vài thập kỷ gần đây, tiếng tăm của Martin Logan nổi như cồn và các sản phẩm của hãng luôn có mặt tại hầu như tất cả các cuộc triển lãm nghe nhìn danh tiếng.
Loa thông thường có kết cấu hình nón và khi có dòng điện thay đổi chạy qua cuộn dây, cả khối hình nón này sẽ dao động phát ra sóng âm thanh. Như vậy, màng loa thông thường, dù làm bằng giấy bồi hay bằng carbon, kevlar..., đều cố định trong một khối cứng và dao động của cả khối nón loa này nhìn chung là kém linh hoạt. Trong khi đó, màng tĩnh điện được bằng vật liệu siêu nhẹ và cả phiến tĩnh điện dao động tương ứng với tín hiệu dòng điện vào loa, tạo ra một dạng sóng âm thanh với đặc tính cực kỳ sống động, trong trẻo, chân thực, truyền cảm, rất chi tiết và không bị hiện tượng lệch pha. Loa tĩnh điện có màng loa được làm bằng vật liệu đặc biệt và kết cấu thành phiến lớn, chạy suốt bề mặt trước của loa. Nhờ kết cấu này, màng loa tĩnh điện có khả năng xử lý cực kỳ linh hoạt.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm kể trên, loa tĩnh điện cũng có một số nhược điểm. Trước hết, do loa tĩnh điện là một phiến lớn, phẳng và mỏng, nên trong quá trình dao động, màng loa có thể gặp phải hiện tượng bị xoắn, gây biến dạng sóng âm thanh. Để khắc phục hiện tượng này, nhà sản xuất loa có xu hướng uốn cong và thu hẹp bề ngang của màng loa. Tuy nhiên, việc này còn có một tác dụng khác. Các loa tĩnh điện đời cũ với thiết kế tấm panel phẳng có tính định hướng rất cao và chỉ cho phép một người duy nhất ở một vị trí duy nhất trong phòng có thể nghe được đầy đủ những âm thanh phát ra từ cặp loa. Còn với thiết kế cải tiến này, màng loa chính được uốn cong thành một đường vòng cung 30 độ và bao quanh là tấm phẳng tĩnh điện, như vậy, mở rộng góc phát xạ của âm thanh khiến cho nhiều người có thể nghe được.
Martin Logan đã áp dụng biện pháp xử lý vô cùng thông minh trong sản phẩm Clarity: lai giữa nguyên lý loa tĩnh điện và nguyên lý loa màng nón truyền thống.
*Loa còi Uno Avantgarde |
*Loa Jamo |
*Tannoy Canterbury |
Thoạt đầu, nhìn Clarity từ phía trực diện, bạn sẽ tưởng đây là một cặp loa tĩnh điện thuần tuý. Nhìn kỹ trong ít phút, thì sẽ thấy ngay đây là một cặp loa "lai". Nó có một loa bass 8 inch (25cm) đặt trong thùng cộng hưởng. Loa trung chính là màng tĩnh điện gắn ở mặt trước thùng loa bass. Loa tép NAC dome mềm đường kính 2,5cm cũng là dạng màng nón, được đặt ngay phía trên thùng loa bass, nằm đằng sau tấm tĩnh điện và hơi hướng chiều của nón loa lên phía trên. Thiết kế loa dạng "lai" thế này được Martin Logan áp dụng cho hầu hết các sản phẩm của mình. Dù việc lai ghép giữa loa tĩnh điện và loa màng nón là hết sức khó khăn nhưng Martin Logan đã khá thành công khi áp dụng thiết kế này. Loa tép nằm ở vị trí chính giữa loa trung tĩnh điện làm âm hình của cặp loa trở nên tập trung hơn.
Thùng loa Clarity nặng khoảng 15 kg được làm khá kỹ và vỏ thùng được uốn cong để triệt tiêu sóng đứng. Chân loa khá gọn khiến cho cặp loa này không chiếm nhiều không gian. Tuy nhiên, với thiết kế lỗ thông hơi phía sau thì bạn nên đặt loa cách tường sau ít nhất là 1m để tránh tiếng bass dội. Tổng trở kháng của loa là 6 Ohm và trở kháng đó có thể xuống tới mức 1,1 Ohm ở tần số 20KHz. Độ nhạy của cặp loa này là 89dB và với mức trở kháng danh định 6Ohm thì đây cũng không phải là cặp loa quá khó "đánh". Nhưng với công suất khuyến cáo là 200W thì cặp loa này cần phải có một ampli đủ sức mạnh để phát huy tối đa hiệu quả. Dải tần hoạt động của loa là từ 46Hz đến 22KHz ( 3dB). Loa bass được cắt ở tần số đỉnh là 450Hz.
Một điểm khác biệt nữa của Clarity, hay nói đúng hơn là công nghệ mới của Martin Logan lần đầu tiên được áp dụng ở sản phẩm này, là chất liệu phủ bề mặt màng loa, tương tự như chất liệu được sử dụng trong các sản phẩm Plasma. Việc phủ chất liệu này trên bề mặt màng loa có tác dụng ngăn không cho hơi nước bám vào bề mặt và giúp tăng độ bền chắc của kết cấu màng loa. Với chất liệu này, nhà thiết kế có thể thực hiện một số cải tiến để cải thiện chất âm của loa tĩnh điện. Nó cho phép người ta có thể xếp dày hơn các tấm vật liệu dẫn điện kẹp giữa lớp màng tĩnh điện và lớp vỏ bọc bao phủ và do đó làm tăng độ phân giải của loa. Martin Logan gọi đây là màng loa tĩnh điện "thế hệ thứ hai".
Clarity được thiết kế với mục đích xem phim và nghe nhạc đa kênh. Vai trò của nó như cặp loa front của hệ thống rạp hát gia đình, nhưng bên cạnh đó, khả năng chơi đa kênh của nó khá xuất sắc nếu phối ghép với hệ thống loa surround phù hợp. Đây cũng chính là cặp loa nghe nhạc stereo lý tưởng.
Không ngoài mong đợi, cặp loa này đem lại một âm thanh trong trẻo, tinh tế và khá chi tiết. Khả năng xử lý tiết tấu cực nhanh khiến cặp loa này phù hợp với mọi thể loại âm nhạc. Mặc dù có vẻ hơi thiếu lực trong xử lý không gian nhưng Clarity có thể tái hiện đầy đủ không khí sống động của một buổi hoà tấu với những chi tiết hết sức tinh tế. Với những đĩa vocal, Clarity cũng trình diễn rất xuất sắc, giọng ca phát qua cặp loa này khá chân thực và truyền cảm. Trung âm và dải cao hoà quyện lẫn nhau cực kỳ chính xác. Dải trầm hơi khác biệt một chút, ấm áp và chắc gọn, mang âm hưởng đặc trưng tiếng bass của thùng gỗ. Tuy nhiên, những người không quen nghe loa mành có thể cảm thấy thiếu một thứ gì đó mộc mạc của chất âm loa thùng gỗ truyền thống.
Loa tép NAC là một viên ngọc trong hệ thống này. Thiết kế đặc biệt của loa tép làm cho nó góp phần mang lại một âm thanh sống động và hơn nữa, nó tạo cho người nghe mỗi lúc có một cảm giác thú vị khác nhau khi đứng ở những vị trí khác nhau, hoặc đi vòng quanh loa! Tóm lại, cặp loa này đem lại một màn âm thanh biến hoá, cân bằng và khá đặc trưng.
Tuy nhiên, do loa bass kích thước vừa phải (8 inch) và thiết kế thùng loa chỉ cho phép nó chơi được những nốt nhạc ở tần số thấp nhất là 46Hz nên chỉ có thể coi Clarity này là một cặp loa cột loại nhỏ, hoặc một cặp bookshelf loại lớn. Không gian âm nhạc do nó tạo nên còn thiếu một chút hùng tráng. Khi nghe dàn nhạc organ, Clarity không thể tái hiện lại những nốt nhạc ở cung thấp nhất. Với một số bản độc tấu piano như bản sonate Opus 111 của Beethoven, đôi khi người nghe có cảm giác như thiếu lực ở một số nốt nhạc.
Là một cặp loa "lai", Clarity vừa mang đặc trưng của loa tĩnh điện, nhưng lại khá dễ phối ghép, không đòi hỏi một ampli "khủng long" đế kéo giống như các loại loa tĩnh điện khác. Mặc dù Clarity không phải là lựa chọn tốt nhất và bạn có thể đầu tư một mức tiền lớn hơn để đổi lấy một hệ thống âm thanh thiết kế tương tự nhưng có khả năng mang lại một sân khấu âm thanh hoành tráng hơn. Tuy nhiên, mức giá 2.695 USD (tại Mỹ và thị trường châu Âu), đây là một sự đầu tư hợp lý để có được một cặp loa vừa đẹp, vừa có chất âm trong trẻo, truyền cảm cùng khả năng xử lý chính xác và cực kỳ chi tiết.
Tân Huyền (theo Enjoythemusic)