Cài đặt hệ thống rạp hát gia đình không đến nỗi quá khó khăn. Với quyển hướng dẫn sử dụng receiver, bạn có thể tự cài đặt, ghép nối các thiết bị với nhau. Sau một số lần chỉnh sửa, bạn có thể làm cho hệ thống loa 5.1-7.1 của mình tái tạo âm thanh sống động như trong rạp chiếu phim. Loa siêu trầm (subwoofer) trình diễn tiếng bass mạnh đến độ cửa kính rung bần bật. Nhưng sau một thời gian nghe, bạn sẽ cảm thấy tiếng bass sao mà khó chịu, khiến người nghe thấy ấm ách trong lòng. Âm thanh giữa cặp loa chính và loa siêu trầm hình như lệch pha, trong khi bạn đã cài đặt đúng quy trình trong sách hướng dẫn. Việc tốt nhất nên làm lúc này là thử vài động tác set up đơn giản, xem tình hình có thể cải thiện được hay không.
Phần lớn những người mới chơi hệ thống hometheater chưa hiểu biết đầy đủ về kỹ năng kiểm soát tiếng bass. Kiểm soát tiếng bass nghĩa là khai báo cỡ loa (size) và điểm cắt tần số phù hợp nhất trên thiết bị điều khiển trung tâm receiver để mang lại khả năng xử lý tối ưu của cả hệ thống. Tuy nhiên, điểm cắt, tần số cắt là gì?
Crossover frequency (tần số cắt) là ranh giới giữa chế độ tần số được thiết lập cho loa trầm với chế độ tần số được thiết lập cho loa trung; hoặc tương tự như vậy, giữa loa trung và loa tép.
Crossover point (điểm cắt tần số) của loa subwoofer là điểm khống chế khoảng hoạt động của loa siêu trầm. Trên điểm đó là khoảng hoạt động của loa front, rear và center.
Large speaker là loa cỡ lớn, có dải tần xấp xỉ từ 20Hz đến 20kHz. Trong toàn bộ dải tần đó loa siêu trầm hoạt động mà không gây méo tần số. Do có thể hoạt động ở dải tần rộng như vậy, loa này không nhất thiết phải có subwoofer đi kèm.
Small speaker là loa cỡ nhỏ, không thể hoạt động trong toàn bộ dải tần từ 20Hz đến 20kHz. Vì vậy cần phải có thêm loa siêu trầm phối ghép với nó để có thể bổ sung hiệu ứng âm thanh ở khoảng tần số thấp. Chẳng hạn như tiếng đạn đại bác, tiếng sấm hoặc những nốt nhạc cực thấp trong dàn nhạc.
Receiver (còn có thể gọi là ampli tích hợp đa kênh) hay bộ xử lý đa kênh (preampli đa kênh) đều có chức năng kiểm soát tần số cắt cho các loa trong hệ thống rạp hát gia đình.
Một số receiver đời cũ hay các receiver đời mới rẻ tiền hoặc loại "tất cả trong một" thường thiết lập sẵn chế độ tần số cắt cố định (thường là ở mức 80 hay 90Hz). Đối với loại này, bạn không thể điều chỉnh kích cỡ của loa cũng như không thể điều chỉnh mức tần số cắt.
*Loa còi Uno Avantgarde |
*Loa Jamo |
*Tannoy Canterbury |
Loại receiver thứ hai khá phổ biến hiện nay, là loại thiết lập sẵn nhiều mức tần số cắt (còn gọi là variable crossover). Loại receiver này cho phép bạn có thể đặt chế độ loa ở cỡ lớn (large) hay nhỏ (small) và lựa chọn một trong các mức tần số cắt đã được định sẵn cho các loa để đạt tới sự phối hợp tối ưu giữa loa subwoofer và các loa khác.
Loại thứ ba là các receiver cao cấp do một số ít hãng sản xuất. Loại này sử dụng chipset Circus, cho phép người sử dụng tự thiết lập tần số cắt cho từng loa siêu trầm, loa chính (front), loa tay (rear), loa phía sau (rear back) và loa trung tâm (center). Receiver và preampli đa kênh loại này chỉ được sử dụng trong các hệ thống đa kênh đắt tiền và nó cũng đòi hỏi người sử dụng ít nhất phải có một chút chuyên môn kỹ thuật để thực hiện các bước cài đặt chính xác.
Việc cài đặt các thông số về tần số cắt cho loa trên receiver có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kiểm soát tiếng bass. Tuy nhiên, để có thể set up đúng hệ thống của mình, bạn phải hiểu được nguyên lý thiết lập mức cắt tần số và tác động của nó với chất lượng trình diễn tổng thể của hệ thống. Nếu cài đặt sai, bạn không thể nghe thấy hết các tầng trình diễn âm thanh trong đĩa DVD. Hơn nữa, việc cài đặt sai tần số làm cho các loa trong hệ thống bị hiện tượng rối tiếng và méo tiếng. Hiện tượng này nảy sinh do dải tần mà receiver thiết lập để cho các loa hoạt động không phù hợp với dải tần thực tế của loa và làm cho chúng không thể xử lý được.
(Còn tiếp)
Tân Huyền