Thứ sáu, 8/11/2024
Chủ nhật, 2/10/2022, 00:00 (GMT+7)

Săn ong vò vẽ

Hà TĩnhNgười dân xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, băng rừng, lội suối đi lấy tổ ong vò vẽ về chế biến làm thực phẩm hoặc bán kiếm lời.

Tháng 9 âm lịch, các cánh rừng, bụi cây, vách đá ven suối ở xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, là nơi sinh sống của loài ong vò vẽ. Chúng thường chọn các địa điểm kín, ít người qua lại, cây cối rập rạp và địa hình hiểm trở xây tổ.

Anh Phan Văn Chiến, 34 tuổi, trú xã Sơn Hồng, mang đồ bảo hộ, dụng cụ đi rừng, một số nhu yếu phẩm, cùng một số người bạn lái xe máy chở nhau đến cánh rừng cách nhà hơn 7 km để săn ong vò vẽ.

Dừng xe ở bìa rừng, hai người đàn ông đi bộ, thỉnh thoảng dùng ống nhòm quan sát đường đi của con ong, tìm tổ của chúng. "Chúng tôi dùng ống nhòm theo dõi những con ong đi săn mồi, lấy nước, lần theo chúng về đến tổ. Vì thông thuộc địa hình và có kinh nghiệm đi rừng nên việc xác định các vị trí không quá khó khăn", anh Chiến kể.

Khi phát hiện một tổ ong cách vị trí mình đứng hơn 500 m, hai người đàn ông băng qua những cánh rừng tràm để tiếp cận.

Theo anh Chiến, tháng 3 âm lịch hàng năm, ong chúa sẽ lựa chọn những địa điểm thích hợp làm tổ, đẻ trứng và chăm sóc trứng để tạo đàn. Những con ong non khi trưởng thành sẽ tiếp tục đi săn mồi và xây dựng tổ.

Đến tháng 8-9, đàn ong phát triển mạnh nhất trong năm, cho nhộng nhiều. Sang mùa đông, ong chúa sẽ đẻ ra những ong đầu đàn khác, những con này bay đi tách thành nhiều đàn.

Tìm thấy một tổ ong bên khối đá lớn, những người đi cùng hỗ trợ nhau mặc đồ bảo hộ. Các bộ đồ này làm bằng nylon dày, bịt kín, phía trên đầu kết cấu nylon trong suốt để giúp thợ săn dễ quan sát xung quanh.

"Ong vò vẽ có nọc cực độc. Quá trình lấy tổ rất nguy hiểm, nếu áo bảo hộ không đảm bảo thì sẽ bị chúng đốt, ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra, nếu để ong thải nhiều chất thải trúng mắt dễ gây giảm thị lực, thậm chí bị mù", anh Chiến nói.

Sau 5 phút mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay cẩn thận, hai người đàn ông dùng dao phát quang luồn qua những bụi cây, tiến vào tiếp cận đàn ong đang làm tổ bên khối đá bạc lớn, cạnh con suối.

Theo anh Chiến, khi tiếp cận, người thợ sẽ dựa vào kích thước và trọng lượng của tổ ong để quyết định có nên khai thác hay không. Những tổ được chọn phải đáp ứng yêu cầu 5 tầng ong, trọng lượng hơn 3 kg.

Tổ mà anh Chiến tìm thấy ước tính đạt 5 tầng. Để tách "nhà của ong" ra khỏi khối đá lớn, anh Chiến dùng dao, khứa nhiều nhát ở sát vị trí giữa tổ và đá.

Hàng trăm con ong bay, bám đầy vào quần áo bảo hộ của thợ săn. Sau 5 phút, anh Chiến tách được tổ ong vò vẽ nặng hơn 3 kg ra khỏi khối đá.

"Khi lấy tổ, ngoài dùng đồ bảo hộ thì có thể sử dụng lửa và khói. Tuy nhiên, chúng tôi chọn phương án khai thác tổ bằng đồ bảo hộ, bởi nếu dùng lửa thì ong chúa và các con trưởng thành sẽ bị chết, mất sự cân bằng sinh thái. Người thợ chỉ thu hoạch nhộng, để con lớn bay đi nơi khác sinh trưởng và xây tổ mới", anh Chiến cho hay.

Lấy được tổ ong 5 tầng đưa ra ngoài, thợ săn dùng miệng thổi mạnh để những con ong vò vẻ trưởng thành còn sót lại bay ra ngoài, tránh nó tấn công lại mình.

Khai thác xong, những thợ săn tiếp tục băng rừng, lội suối đi tìm những tổ ong vò vẽ khác. Tùy vào thời tiết, dịp này mỗi hôm người dân đi săn ong khoảng 7 tiếng, thu về 8-10 kg tổ.

Giữa giờ trưa, sau khi lấy xong hai tổ ong, những người thợ mệt lả, mồ hôi chảy dài trên mặt. Để lấy lại sức, họ ngồi bệt giữa bìa rừng uống sữa và ăn lương khô, nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng rồi tiếp tục hành trình.

Hai thợ săn ong trở về nhà khi lấy được nhiều tầng ong. Mỗi tổ ong vò vẽ nặng 3-5 kg, được thương lái mua với giá 150.000 một kg.

Ngoài bán tổ khi gặp khách trả giá cao, thợ săn còn đưa tổ về nhà, lấy nhộng bên trong ra chế biến làm thực phẩm. Để lấy nhộng ra khỏi tổ phải dùng nhíp loại bỏ màng bảo vệ, sau đó nhẹ nhàng gắp chúng ra.

"Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, nếu bấm nhíp mạnh quá thì nhộng sẽ bị vỡ", một người dân cho hay.

Nhộng lấy từ tổ ra được chai ra làm ba loại. Hai bát sứ có nhộng màu trắng và vàng là loại non và sắp thành ong. Bát còn lại đựng những con ong non, màu đen. Với một tổ ong 3 kg, phải mất hai tiếng mới lấy được hết nhộng ra ngoài.

Nhộng và ong non được chần qua nước sôi để cho săn lại. Đầu bếp sẽ dùng tăm nhọn đâm giữa thân nhộng để lấy phần ruột ra. Vì nhộng kích thước nhỏ, phải làm khéo léo, nhẹ tay để toàn thân nguyên vẹn.

Nhộng ong sau khi sơ chế sẽ được bán cho các nhà hàng, quán nhậu với giá 500.000 đồng một kg. Nhộng non đem chế biến xào mỡ với lá chanh, làm theo cách này sẽ cảm nhận được vị thơm, béo ngậy. Còn ong non thì đem chiên giòn.

"Để sơ chế được nhộng thành phẩm phải mất rất nhiều thời gian và công sức, do vậy chúng tôi thường lựa chọn bán nguyên cả tổ", anh Chiến nói.

Đức Hùng