Mờ sáng, ông Đinh Văn Đăng ở thôn Đồng Thành 1, xã Thành Yên nai nịt gọn gàng, mang theo dao, túi vải, đèn pin cùng chiếc xoong nhỏ, gạo đủ ăn trong 2 ngày rồi nhằm hướng núi thẳng tiến.
Người đàn ông gầy gò, có tiếng là “thợ săn ốc” trong vùng kể, từ khi 12 tuổi, ông đã theo cha đi vào các hang núi sâu bắt ốc. Loài ốc to bằng chén uống nước, thân dẹt, màu trắng sữa sống trong hang núi đá, khe suối. Chúng chỉ xuất hiện vào đầu mùa mưa, lúc rừng núi ẩm ướt (từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch) rồi sau đó gần như biến mất.
Vành đai vườn quốc gia Cúc Phương chạy dọc các xã Thành Lâm, Thành Yên, Thành Mỹ, Thạch Lâm của huyện Thạch Thành là có nhiều ốc đá nhất. Ốc ở đây mỏng vỏ, dày ruột, có hương thuốc quý do ăn các loại lá cây, quả và thảo dược trong rừng. Các vùng Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy đều có ốc đá, nhưng không nơi nào ngon như ốc Thành Yên.
Ông Đinh Văn Đăng chuẩn bị “đồ nghề” lên núi săn ốc. Ảnh: Hoàng Phương. |
Sáng sớm, vợ chồng ông Đăng cùng con trai chia nhau mỗi người mỗi ngả. Những người có kinh nghiệm đi rừng như ông thường đi liên tục 2 ngày mới về. Đàn bà và trẻ con thì bắt ốc ở những khu vực gần hơn, giáp bìa rừng quốc gia Cúc Phương. Sau 4 tiếng vượt rừng, leo qua các vách núi dựng đứng, ông Đăng đã tới nơi bắt ốc. Nghỉ ngơi, ăn trưa xong, ông tìm đến các đoạn suối sâu trong rừng, lật những mảng lá cây mục nát để mò.
Ông Đăng bảo, nếu đi vào hôm trời không mưa thì phải chờ tới gần nửa đêm, ốc chui lên khỏi mặt đất để đi ăn thì mới thấy. Những con ốc bám vào tảng đá, thấy ánh đèn pin vội co người rơi xuống suối. Buổi săn thường kết thúc vào 2h sáng nên thợ thường ngủ tạm ở hang đá. Sáng họ dậy sớm nhặt thêm ít nữa rồi về. Chui ra khỏi rừng, ai nấy ướt nhẹp, lá cây dính đầy người.
Theo người dân, trời mưa rất dễ bắt ốc. Quá nửa đêm mưa là đẹp nhất, sáng hôm sau trời mát, ốc bò ra nhiều. Người săn chỉ việc lần dọc các con suối là nhặt được cả cân. Nhưng nếu mưa sớm vào buổi chiều, hôm sau lá bị khô, ốc không chui ra ngoài đi ăn thì chỉ thu được vài lạng.
Trước ở bìa rừng rất nhiều ốc, nhưng giờ muốn bắt phải chịu khó leo núi đá cao, thậm chí vượt qua những vách đá dựng đứng. Có lần mới mưa xong, ông Đăng bám vào mỏm đá phủ đầy cỏ dại mà không biết nó bị lở, khiến cả người rơi xuống suối sâu, chân bị bong gân, xây xước đầy người. “May có đứa cháu họ đi cùng, không thì chuyến đó tôi không biết làm cách nào về được”, ông nói.
Người Thành Yên đi săn ốc xa bao giờ cũng theo tốp, thường là hai người trở lên. Họ cùng nhau chia sẻ những nơi có nhiều ốc. Nếu ham đi một mình mang về nhiều “lộc núi”, nhưng sẽ chịu nhiều nguy hiểm nếu gặp rắn rết, sợ nhất là rắn bọ nẹt và các loại sâu độc trong rừng.
Ốc đá, đặc sản có tiếng của vùng cao xứ Thanh. Ảnh: Hoàng Phương. |
Khó là vậy, nhưng giá trị một cân ốc lại không tương xứng với công sức họ bỏ ra. Nếu bán cho các quán trong vùng chỉ được 35.000 đồng một kg. Mỗi mùa săn ốc kéo dài vài tháng, một thợ chăm chỉ sẽ kiếm được vài triệu đồng. Đó là số tiền không nhỏ đối với người dân vùng cao Thành Yên đất đồi nhiều hơn đất trồng lúa.
Theo chị Liên (thôn Thành Trung), người chuyên nhập ốc để bán, ốc đá là loại thức ăn đặc biệt, quen với người Mường, Thái..., nhưng lại lạ miệng với người dưới xuôi. Có người đi gần trăm km từ thành phố lên mua vài cân ốc rồi về. Đợt nào nhiều mưa, ốc bán ra chỉ 40.000 đồng một kg và lên giá 50.000-60.000 đồng nếu trời ít mưa.
Ốc đá chế biến đơn giản, chỉ cần ngâm nước sạch cho nhả hết lá cây rồi luộc hoặc xào, làm nộm. Ngon nhất vẫn là ốc luộc vì giữ được hương thơm của vị thuốc. Dân bản địa còn gọi với tên khác là ốc thuốc vì chúng có nhiều công dụng trị một số chứng lạnh bụng, đau bụng, dị ứng và có giá trị dinh dưỡng cao. Phần đuôi ốc có giá trị nhất, vì chính là “túi thuốc” của con ốc.
Qua tháng 9 âm lịch là hết mùa ốc. Nếu muốn để dành thì phải bỏ chúng vào chum sành hoặc một cái nong rộng. Mỗi buổi chiều vẩy ít nước và bột ngô cho ốc ăn. Nhưng ốc nuôi sẽ gầy vì không được ăn lá cây và thảo dược, vị kém ngon. Hết mùa mưa, ốc sẽ chui sâu xuống đất, rất khó tìm. Những thợ săn như ông Đăng lại quay về với đồng ruộng, đất rừng, chờ mùa mưa năm sau.
Rít điếu thuốc lào, ông Đăng trầm ngâm kể, mấy năm nay trời không thuận, mưa nắng nhiều nên khó bắt. Mỗi lần đi giỏi lắm được độ vài cân là cùng. Cách đây chục năm, mỗi bận đi 2 ngày, ông mang về được cả yến. Người dân đi rừng gặp kiểm lâm nhưng không bị phạt, vì chỉ bắt ốc chứ không săn các loại động vật khác hay chặt cây trong rừng. Hết mùa ốc, dân tuyệt nhiên không bén mảng tới bìa rừng.
Hoàng Phương