4h sáng, vội vàng lót dạ bằng bát cơm nguội, Lường Văn Tiến (thôn Quang Vinh, xã Quảng Cư) vác theo cây gậy dài hơn 2 m đi theo các bà, các cô ra cửa biển. Tiến giải thích đây là cây nạo dùng để bắt ngao. Nó được làm từ tre, kết thành hình chữ Y, ở giữa thân treo lủng lẳng chiếc túi lưới để đựng ngao. Lưỡi nạo là một thanh sắt được mài mỏng, dài khoảng 50 cm.
Trên bãi bồi, những phụ nữ đi từ rất sớm, ngao được non đáy túi. Thấy người đến, họ ngẩng lên nhìn rồi lại cặm cụi rê lưỡi nạo trên mặt cát. Quần áo lấm lem bùn cát, bạc thếch vì bị ngâm lâu trong nước biển mặn chát. Khuôn mặt ai nấy đều bịt kín, chỉ trừ đôi mắt. Họ cần mẫn rê lưỡi nạo từ lúc hừng đông đến khi trời đứng bóng mới chịu ra về.
Đặt cây nạo xuống bãi cát, Tiến buộc sợi dây cước ở giữa thân nạo vào bụng để có sức kéo rồi kéo lê trên mặt cát, tạo thành những đường dài ngoằn ngoèo. Nghe “cục” một tiếng, Tiến lấy ngón chân sục sâu vào cát rồi nhón tay nhặt bỏ những con ngao đầu tiên vào túi. Thi thoảng gặp những viên sỏi, vỏ ngao thối há miệng, nó nhanh tay vứt đi rồi tiếp tục công việc.
Mới đi nạo ngao được hơn một năm, nhưng thằng bé 12 tuổi có kha khá kinh nghiệm. “Phải cầm làm sao cho cán nạo cân đối, không bị vênh. Kéo không được lệch tay thì nạo mới ăn đất và được nhiều ngao”, Tiến giải thích. Tuần đầu tiên chưa quen, Tiến phải liên tục cúi xuống dùng tay bới cát, nhặt ngao. Thân nạo tì vào vai hằn thành vết thâm tím. Tối về lưng, vai đau ê ẩm. Đi nhiều thành quen, giờ nó dùng chân khều, đôi khi đạp vào miếng hàu, vỏ ốc, đứt chân lại phải nghỉ ở nhà vài ngày, chờ cho vết đứt lành miệng mới dám đi tiếp.
Kéo được một lúc thì mặt trời lên, nắng bắt đầu chiếu vào mặt, cát bỏng rát, Tiến thở phì phò. Thằng bé miền biển da đen giòn, thi thoảng hóp bụng kéo làm quần tụt xuống. Tiến là con út trong gia đình có bốn anh em, tranh thủ nghỉ hè đi nạo kiếm thêm tiền mua sách vở đầu năm học. Các anh trai đều đi làm ăn xa, chỉ còn hai mẹ con Tiến ở nhà.
Mặt trời càng lên cao, bãi bồi càng nhộn nhịp. Mỗi người tìm một chỗ thích hợp rồi lê nạo tứ phía. Chị Lường Thị Nhung (33 tuổi) cho biết, nghề này phụ thuộc vào thủy triều lên xuống. Dân thường tranh thủ lúc nước ròng để đi. Đó là thời gian giữa hai con nước lớn liên tiếp, nước rút đi để lộ bãi bồi đầy ngao. Hôm nay nạo gần bờ, ngày mai lại đi xa hơn một chút cho đến ngày con nước lại quay về nạo gần bờ.
Người dân nơi đây cho hay, cồn cát ven biển Quảng Cư không bao giờ hết ngao. Thủy triều lên hắt con ngao từ ngoài biển vào. Nước rút đi, chúng lặn sâu dưới cát, con người muốn hưởng lộc biển thì phải chịu đổ mồ hôi. Có hôm nước ròng lúc nửa đêm thì dân cũng đi từ lúc đó, trời vừa bửng sáng thì cũng kịp ra về trước khi triều dâng. Trời tối đen như mực nhưng họ không cần soi đèn pin, chỉ cần cảm nhận bằng đôi tay và lắng tai nghe tiếng ngao mắc vào lưỡi nạo.
Để con út trông nhà, vợ chồng chị Nhung đi từ mờ sáng. Riêng con gái 13 tuổi tên Tuyết đi cùng mấy đứa bạn từ 3h sáng. Cả gia đình ba người nạo một buổi sáng cũng được vài cân ngao, bán được hơn 200 nghìn. Chị bảo “chẳng ăn thua, nghề này khô áo thì ráo tiền, bán ngao chỉ đủ đong gạo và sinh hoạt trong ngày chứ không thể giàu. Không có đất nông nghiệp thì chỉ còn biết đi nạo ngao”. Nghề này chỉ có phụ nữ hoặc mấy đứa trẻ tranh thủ nghỉ hè mới đi. Đàn ông khỏe mạnh đều đi biển, hoặc vào miền Nam làm thuê.
Hơn 20 năm đi nạo ngao, người đàn bà miền biển nói giọng lơ lớ nhận mình vẫn là thợ nạo ít kinh nghiệm. Những thợ nạo giỏi thường sang đò, ra tận cửa biển. Cửa Hới rộng mênh mang, có nhiều ngao to, thu nhập ổn hơn nhưng cũng vất vả hơn. Có cả dân các huyện Hoằng Hóa và một số người từ nơi khác đến tranh thủ mùa biển lặng cũng đến nạo. Dân mấy huyện cùng nhau mưu sinh, người đi nạo có khi vai chạm vai nhưng chưa bao giờ xảy ra chuyện tranh chấp hay cãi vã.
“Cửa biển rộng mênh mang, ai làm nhiều thì hưởng nhiều. Lộc biển cùng chia nhau, ăn một mình làm sao hết”, chị Nhung cười nói. Gần đó cũng có nhiều bãi nuôi ngao nhưng dân đi nạo không bao giờ bén mảng đến. Người nào ngại đi xa thì chọn chỗ nước sâu, nước ngập đến nửa bụng rồi sục lưỡi nạo xuống bùn thường kiếm được ngao to. Những con ngao ẩn mình sâu dưới cát, vỏ đủ màu sắc hồng, nâu đất chứ không phải màu trắng xỉn như ngao nuôi trong đầm.
11h trưa, mặt trời lên cao, những phụ nữ lại í ới gọi nhau về, túi ngao treo lủng lẳng ở đầu cây nạo. Chị Nhung giục đứa con gái đang cố dầm mình dưới nước ra về. Hai mẹ con dồn lại mới được nửa túi lưới đủ loại ngao to nhỏ. Chị tặc lưỡi, hôm nay kiếm chỉ được một nửa so với hôm qua.
Ngao nạo về phải phân loại rồi nhập cho các đại lý, nhà hàng, khách sạn. Loại có kích cỡ bình thường dùng để nấu canh có giá 20.000–25.000 đồng/kg. Loại to hơn miệng chiếc cốc bán giá cố định 50.000 đồng/kg dùng để hấp, ăn ngọt và mát, rất được khách du lịch chuộng. Cuối tuần đông khách du lịch thì dân cũng dễ bán hơn. Ngày thường bị nhà hàng ép giá, chê ngao nhỏ, ngao xấu. Khi đó, dân Quảng Cư lại phải đem đi chợ bán với giá thấp hơn hoặc mang về nấu canh.
Mùa nạo ngao sôi động nhất từ tháng 4 đến tháng 8, khi Sầm Sơn vào mùa du lịch. Sang tháng 8 biển động, bãi bồi thường ngập nước lũ, ngao chết nhiều, những phụ nữ Quảng Cư lại ở nhà chạy chợ, buôn cá.
Những đứa trẻ như thằng Tiến, cái Tuyết lớn lên, đứa nào cũng phải cầm qua cây nạo một vài năm trước khi đi làm ăn xa hoặc theo chúng bạn đi biển. Cực là thế, nhưng chúng không bao giờ đi bán hàng rong hay đi xin tiền dù khu du lịch sầm uất, lung linh sắc màu ở cách đó vài chỉ vài cây số.
Hoàng Phương