5h sáng, Nguyễn Văn Cường gói nắm cơm và hai con cá khô cùng muối ớt bỏ vào gùi. Anh chạy xe máy cũ kỹ về hướng núi giáp với hai huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc. Tới bìa rừng, Cường chạy thêm chừng 2 km theo con đường mòn của những người đi chăn trâu rồi dựng xe bên gốc tung cây to lớn. Tay cầm dao, vai mang gùi, Cường đi bộ giật những con dốc đứng, bở hơi tai.
"Nấm linh chi chỉ mọc trong rừng nứa trên triền ẩm ướt, nên mình phải đi gần bờ suối mới mong có", Cường cho biết.
Mùa mưa, những dãy núi cao trập trùng từ xã Mỹ Thạnh qua xã La Ngâu, huyện Tánh Linh trở nên xanh tốt. Đây cũng là lúc các loài sinh vật dưới những tán cây rừng bắt đầu sinh sôi nảy nở, trong đó có nấm linh chi.
Điểm đầu tiên Cường đặt chân đến trong chuyến săn nấm là khu rừng tre nứa rộng chừng 2 ha, cách nơi anh để xe 3 km. Một vài mụt măng còn dấu mới tinh vừa có ai đó sắn lấy, lột vỏ quăng lăn lóc bên gốc nứa. "Đây rồi, khu này có nấm linh chi", Cường mừng rỡ, đưa tay hái nấm đầu tiên.
Đôi mắt đậm chất núi rừng của Cường đảo quanh các bụi nứa. Lớp lá nứa mà người bản địa thường gọi là "lá mắc mày" ủ lên lớp đất ẩm ướt phảng phất mùi thơm khác thường. Cường cho biết nấm linh chi không nở rộ như nấm mối. Chúng thường mọc cách xa nhau. Anh nhìn quanh và phát hiện thêm ba nấm nằm cách nhau từ nửa mét đến 3 mét.
Linh chi trong rừng sâu có thân màu tím, cọng hơi cong, nhỏ bằng đầu đũa, cao tầm 10-15 cm. Lúc mới nhú lên khỏi mặt đất, trên chóp nhọn đốm trắng. Sau khi nở ra, dù nấm có đường kính 4-6 cm màu tím như thân, bao quanh có đường viền trắng. Khi nở, màu tím từ thân nấm đến dù phủ một lớp bóng loáng như được đánh dầu, trông rất đặc trưng.
Cường cúi hái những nấm linh chi đã nở, thả vào gùi. Là loài quý hiếm, nên linh chi rừng không nhiều, một chỗ chỉ khoảng chục nấm. Cường rảo tiếp trên đường rừng qua triền núi hướng Tây Nam cách đó 2 km. Mùa mưa đá suối mọc rêu trơn trượt, Cường cầu "xin thần rừng, thần núi" giữ cho mình được vững đôi chân.
Anh K'Tiếp, một người ở xã Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc) cũng lên cánh rừng này tìm nấm. Anh phải vượt qua đường rừng xa gấp đôi Cường vì nhà anh ở bên kia dãy núi đèo Nam. K'Tiếp cho hay, mùa mưa nước đầu nguồn đổ về rất hỗn, anh phải canh chừng, nếu thấy mưa lớn phải tránh xa mấy con suối, để không bị nước lũ đột ngột đổ về cuốn đi.
Theo K'Tiếp, mùa mưa cũng là lúc các loài rắn tìm nơi sinh sản. Riêng hổ mang chúa rất thích đẻ trứng trong các gốc nứa có nhiều lớp lá ủ. Do vậy, nghề hái nấm linh chi cũng đối diện với rủi ro cao. Là dân bản xứ, đã quen thuộc với núi rừng, nhưng anh và các đồng nghiệp rất cảnh giác với loài rắn cực độc này, bởi bị cắn trên rừng thì không thể nào cứu chữa được. "Hổ mang chúa dữ lắm. Không chú ý, nếu mình đến gần quá, nó rượt mình chạy không kịp", K'Tiếp cho biết.
Phải lội qua nhiều con suối, băng qua nhiều cánh rừng trùng điệp, nên người đi hái nấm linh chi thường ở độ tuổi dưới 50. Nghề khó nhọc, nhưng đổi lại nếu trúng nấm, mỗi ngày họ kiếm được 3-4 kg, thu tiền triệu. "Ngày nào ông bà thương thì gặp được nhiều, nhưng cũng có khi đi từ sáng đến tối chỉ kiếm được vài lạng, đủ mua gạo và cá khô", Cường nói.
Nấm linh chi bán tại làng hiện có giá 350.000-400.000 đồng một ký, được các cơ sở đông y trong và ngoài tỉnh đến đặt mua. Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết, cũng nhờ nghề hái nấm mà nhiều gia đình trong làng Rai có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, sau khi rỗi việc nương rẫy.
Theo ông Quảng, từ xưa, người dân bản xứ xem linh chi là một trong những loại thuốc quý trên rừng, giúp giải độc tố phòng ngừa bệnh tật. Người trong làng thường phơi khô, nấu nước uống như nấu trà trước khi lên rẫy vào buổi sáng. Người già yếu, người mới khỏi bệnh cũng thường uống nước nấm linh chi cho chóng khỏe, giảm cơn mỏi mệt.
Nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma Iucudum. Theo các chuyên gia, nấm này có các hoạt chất kích thích hệ miễn dịch, giúp ổn định đường huyết, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư...
Việt Quốc