Thứ bảy, ngày 20/10/1982 ở Moscow, trời lạnh giá, đầy gió và tuyết. Spartak Moscow tiếp HFC Haarlem của Hà Lan tại Luzhniki trong khuôn khổ Cup UEFA.
Đội chủ nhà là bên mở tỷ số và duy trì lợi thế đó cho đến gần cuối trận. Nhiều CĐV bắt đầu lục tục ra về. Tuy nhiên, bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 cho đội nhà ở vào những phút bù giờ hiệp hai như khiến họ phấn khích hẳn. Hàng trăm người lũ lượt kéo nhau ào trở lại sân định ăn mừng, dẫn đến cảnh chen lấn với dòng người đang đổ ra (Sergey Shvetsov, tác giả bàn thắng, sau này nói: "Tôi thà không ghi bàn thắng đó còn hơn!").
Vì lý do an ninh, chỉ có một lối ra duy nhất được sử dụng tại khu khán đài phía Đông của sân Luzhniki lúc đó. Cảnh sát không cho phép mở thêm các cửa thoát khác, bất chấp những tiếng kêu gào thảm thiết đến chói tai.
Dòng người đến đặt hoa tại đài tưởng niệm ở sân Luzhniki nhân sự kiện thảm họa tròn 25 năm (20/10/2007). Nhân dịp này, Spartak Moscow lại tiếp HFC Haarlem trong một trận đấu giao hữu. Trận đấu hòa 2-2 và không có điều tồi tệ gì xảy đến thêm nữa. |
Andrei Chesnokov, cựu tay vợt tennis từng đứng thứ 9 thế giới, cũng là một CĐV đến sân dự khán trận đấu hôm đó. Ông may mắn thoát chết. "Trên những bậc cầu thang trơn trượt, người nọ đổ đè lên người kia. Nó giống như khi người ta chơi trò domino vậy. Đến những chiếc lan can thép cũng oằn lại vì sức ép kinh khủng từ trọng lượng của hàng trăm người. Người ta chen lấn nhau đến chết", Chesnokov nhớ lại.
"Tôi tưởng như cũng phải chịu chung số phận nếu không kịp nhảy khỏi lan can. Lúc ngoảnh mặt lại, tôi thấy hàng dãy người nằm la liệt. Hầu hết trong số họ đều bị chết chẹt. Ai đó cố với tay xin cứu vớt nhưng vô ích. Tôi cố gắng lắm mới rút được một cậu bé khỏi đống mắc kẹt. Nhưng người ta không kịp cứu sống nó. Lúc bước xuống cầu thang, tôi nhìn thấy hàng đống xác chết chồng lên nhau. Phải có hơn một trăm tử nhân hôm đó".
Hôm sau chỉ một số rất ít tờ báo "được phép" đề cập đến sự kiện kể trên một cách dè dặt. "Một số người bị thương" là tất cả những gì được công bố. Giới chức lúc đó vì nhiều lý do đã tìm mọi cách bưng bít thông tin. Mãi đến năm 1989, họ mới xác nhận tấn thảm kịch kể trên. Nhiều vết dấu lịch sử dẫu vậy đã bị bôi xóa.
Trong một số báo cáo chính thức, số người chết chỉ là 66, nhưng theo những điều tra gần đây con số ước chừng lớn hơn thế rất nhiều, khoảng 340 tử nhân.
Nếu con số trên được xác thực, đây có lẽ là thảm họa kinh hoàng nhất lịch sử bóng đá thế giới. Trước đây, "đám tang" lớn nhất mà làng túc cầu từng phải chứng kiến diễn ra ở Heysel (Brussels, Bỉ) ngày 29/5/1985, với 39 người thiệt mạng và 376 người bị thương.
Doãn Mạnh