Tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện gồm thủy điện chiếm 24,9%; nhiệt điện than 45,3%; tua bin khí 11,6%; năng lượng tái tạo 16,5%; điện nhập khẩu 1,5%.
Sản lượng điện truyền tải tháng 3 đạt 17,91 tỷ kWh. Lũy kế quý một, sản lượng điện truyền tải đạt 48,27 tỷ kWh, giảm 1,4% so với cùng kỳ.
Trong ba tháng đầu năm, EVN đã tổ chức vận hành tối đa các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ điện cho các trạm bơm hoạt động phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Tính cả 2 đợt lấy nước đổ ải (12 ngày), tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện là 3,62 tỷ m3 - tiết kiệm được 1,14 tỷ m3 nước so với kế hoạch.
"Việc tổ chức xây dựng lịch lấy nước được thực hiện trên cơ sở tính toán cụ thể, bảo đảm nhu cầu, đáp ứng thực tiễn, góp phần tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ cung cấp điện mùa khô năm 2023", đại diện đơn vị chia sẻ.
So với các năm gần đây, tổng lượng xả năm 2023 thấp hơn 0,62 tỷ m3 so với năm 2022, thấp hơn 1,52 tỷ m3 so với năm 2021, chỉ cao hơn 0,94 tỷ m3 so với năm 2020 là năm có mưa lớn vào Tết Nguyên Đán.
Trong tháng 3, chiến dịch Giờ Trái đất 2023 có chủ đề "Tiết kiệm điện - thành thói quen" cũng được tập đoàn tổ chức với các hoạt động trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điển hình là hoạt động tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết. Kết quả, sau một giờ tắt đèn biểu trưng từ 20h30 - 21h30 ngày 25/3, thống kê từ hệ thống cho biết cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 298.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng).
Trong công tác đầu tư xây dựng, trong quý một, EVN tiếp tục xử lý vướng mắc, thi công các dự án nguồn và lưới điện; đặc biệt là các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Về lưới điện, EVN và các đơn vị đã khởi công 12 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 26 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV trong quý một.
Về tình hình tài chính, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ 2019 đến nay làm tình hình tài chính EVN gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.
Bước sang quý hai, với nhận định quý hai hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý hai.
Cụ thể, tháng tư, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 745 triệu kWh một ngày.
Mục tiêu vận hành hệ thống là tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt người dân; đặc biệt là đảm bảo điện phục vụ kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương; dịp lễ 30/4 - 01/5.
Để giảm thiểu tai nạn điện trong dân, EVN và các đơn vị thành viên tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Đồng thời, để giảm bớt khó khăn trong vận hành hệ thống điện trong các tháng mùa khô năm 2023, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm...
Thế Đan