CNN ngày 11/3 dẫn báo cáo tình báo của NATO và các nguồn thạo tin cho biết Nga hiện sản xuất được khoảng 250.000 viên đạn pháo mỗi tháng, tương đương ba triệu viên một năm. Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chỉ có thể sản xuất khoảng 1,2 triệu viên đạn pháo mỗi năm để chuyển cho Ukraine, theo một quan chức tình báo cấp cao châu Âu.
Một quan chức Mỹ tuần trước tiết lộ mục tiêu của quân đội nước này là đưa sản lượng đạn pháo mỗi tháng lên mức 100.000 viên vào cuối năm 2025, chưa bằng một nửa năng lực sản xuất hiện nay của Nga. Mục tiêu này đang trở nên xa vời trong bối cảnh gói viện trợ hơn 60 tỷ USD của Mỹ dành cho Ukraine vẫn mắc kẹt ở quốc hội.
Theo báo cáo công bố đầu tháng 1 của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), lực lượng Nga khi đó khai hỏa khoảng 10.000 viên đạn pháo mỗi ngày, nhiều gấp 5 lần đối phương. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine hôm 17/1 tiết lộ lượng đạn pháo quân đội Nga bắn cao "gấp 5-10 lần so với lực lượng Ukraine tại một số mặt trận".
Một quan chức NATO cho biết Nga đang vận hành các nhà máy sản xuất đạn pháo theo chế độ 24/7, chia thành hai ca luân phiên, mỗi ca kéo dài 12 giờ. Khoảng 3,5 triệu người dân Nga hiện làm việc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, tăng mạnh so với mức 2-2,5 triệu người trước khi chiến sự nổ ra tại Ukraine.
Nguồn cung đạn dược cho Moskva còn tới từ nước ngoài, trong đó Iran năm ngoái "đã chuyển cho Nga ít nhất 300.000 viên đạn pháo", theo quan chức NATO. Triều Tiên cũng đã cung cấp cho Nga ít nhất 6.700 container đạn pháo, có thể chứa hơn 3 triệu quả đạn cỡ 152 mm hoặc 500.000 đạn 122 mm.
"Nga đã đặt tất cả mọi thứ họ có vào cuộc chơi", quan chức này nói. "Cỗ máy chiến sự của họ đang hoạt động hết công suất".
Mỹ và đồng minh đã chuyển giao cho Ukraine nhiều khí tài hiện đại từ đầu chiến sự, gồm xe tăng chiến đấu chủ lực, hệ thống phòng không, tên lửa tầm xa và sắp tới là tiêm kích F-16. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự nhận định rằng năng lực khai hỏa đạn pháo mới là yếu tố quyết định bên nào sẽ chiến thắng trong cuộc xung đột.
"Vấn đề số một mà chúng tôi đang theo dõi hiện nay là đạn pháo, do đây là lĩnh vực mà Nga đang có lợi thế đáng kể về năng lực sản xuất cũng như trên chiến trường", một quan chức NATO nói.
Một quan chức Mỹ cho biết Washington có thể nâng sản lượng đạn pháo lên mức tương đương Nga nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, qua đó trao cho tổng thống quyền ra lệnh cho các tập đoàn vũ khí trong nước đẩy mạnh sản xuất khí tài để hỗ trợ hoạt động quốc phòng.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Biden sẽ kích hoạt đạo luật.
Một số quan chức Mỹ và phương Tây cho rằng năng lực sản xuất quốc phòng của Moskva có giới hạn và nhiều khả năng sẽ chạm đỉnh vào năm tới trước khi đi xuống.
Dù vậy, năng lực hiện nay của Nga vẫn vượt xa những gì mà Mỹ và châu Âu có thể cung cấp cho Ukraine, đặc biệt là khi Washington vẫn chưa thể thông qua gói viện trợ mới cho Kiev.
Phạm Giang (Theo CNN, Reuters, AFP)