Số ca nhiễm nCoV tại Trung Quốc tăng đột biến sau khi chính phủ quyết định nới lỏng các quy định phòng dịch. Bên cạnh thuốc hạ sốt, nhu cầu một số mặt hàng khác như đào, chanh vàng đóng hộp và các sản phẩm y học cổ truyền cũng tăng vọt trên cả nước.
Theo báo cáo của truyền thông địa phương, cổ phiếu của các công ty sản xuất mặt hàng Trung y đạt mức cao nhất vào đầu tháng 12, sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến và sự công nhận của giới chức đối với các phương pháp y học cổ truyền.
Cổ phiếu của Shijiazhuang Yiling Pharmaceutical, công ty sản xuất Liên Hoa Thanh Ôn - một loại thuốc Trung y hỗ trợ điều trị Covid - đã tăng 184% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng dược Sanjiu Medical & Pharmaceutical có mức tăng tương tự, hơn 142%.
Trong một cuộc họp báo tháng 12, Liu Qingquan, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Bắc Kinh, cho biết các bài thuốc Trung y "có tác dụng tốt" trong việc kích thích chức năng tiêu hóa, điều trị sốt và nhiều triệu chứng của biến chủng Omicron nếu được kết hợp với dược phẩm phương Tây.
Bên cạnh các thuốc thảo dược, người dân cũng đổ xô mua chanh vàng và đào đóng hộp.
"Cơn sốt" chanh vàng bắt nguồn từ phát ngôn của Giám đốc Bệnh viện Thụy Kỳ, trực thuộc Trường Y Đại học Giao Thông Thượng Hải. Tại cuộc họp báo chống dịch ngày 8/12, ông cho biết "người mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc chỉ bị nghẹt mũi có thể uống nước cắt thêm vài lát chanh vàng".
Trong tháng này, một số cửa hàng tạp hóa ở Bắc Kinh đã bán hai quả chanh với giá 13 nhân dân tệ (1,86 USD), gấp đôi giá thông thường. Một người dùng mạng xã hội Weibo cũng cho biết cô đã phải bỏ ra 12 nhân dân tệ (1,72 USD) để mua hai quả chanh. "Tôi không biết giá chanh có thể tăng gấp đôi trong một ngày", cô nói.
Theo báo chí địa phương, có thời điểm, chanh "cháy hàng" tại các chợ truyền thống và trên cả nền tảng thương mại điện tử ở Thành Đô.
Wen, một nông dân, cũng cho biết sản lượng chanh không đủ phục vụ nhu cầu dân chúng. Wen là chủ sở hữu vườn chanh rộng 53 ha ở An Nhạc, thành phố thuộc tỉnh Tứ Xuyên - nơi sản xuất khoảng 70% lượng chanh ở Trung Quốc. Anh cho biết doanh số bán hàng của mình đã tăng vọt 20-30 tấn mỗi ngày, gấp 4 đến 5 lần so với trước đó.
Nhu cầu chanh tăng mạnh tại các khu vực như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi người dân đổ xô đi mua thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường khả năng miễn dịch.
Bên cạnh chanh, người Trung Quốc cũng lùng sục đào đóng hộp vì cho rằng đây là loại "thần dược" chống cúm. Trong tiếng Trung, đào phát âm là "tao", khiến nhiều người quan niệm ăn đào giúp "thoát bệnh tật".
Theo Global Times, một công ty sản xuất đào hộp ở Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, ghi nhận đơn đặt hàng cao gấp 10 lần kể từ ngày 9/12. Trên nền tảng thương mại điện tử, 7 sản phẩm tiện lợi phổ biến nhất đều là các nhãn hiệu đào vàng đóng hộp. Một thương hiệu nội địa báo cáo đã bán được tổng cộng 30.000 hộp đào vàng trong vòng 24 giờ.
Tại một siêu thị ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, tổng cộng 147 hộp đào đã được người dân mua sạch trong vòng một giờ. Nhiều nơi phải đặt biển báo "hết hàng", nhân viên cho biết sẽ bổ sung sau.
Dù việc bổ sung vitamin C có thể giúp nâng cao đề kháng, các chuyên gia nhiều lần nhận định nước chanh và đào không phải phương pháp hiệu quả điều trị Covid-19.
"Đào vàng đóng hộp không thực sự là một loại thuốc đặc trị sốt ho. Nó giống như giả dược, ngọt ngào như chiếc bánh bạn ăn hay ly trà sữa uống lúc căng thẳng", Gao Xiaoling, Phó giám đốc bệnh viện ở Thiểm Tây, nói trên Nhân dân Nhật báo.
Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy chanh vàng, nước chanh hoặc axit trong chanh không tiêu diệt, ngăn ngừa nCoV như nhiều người lầm tưởng. Thực tế, virus lây lan trong cơ thể bằng cách xâm nhập vào tế bào, từ đó nhân lên. Chanh (hoặc các loại quả chứa vitamin C) dù sử dụng dưới hình thức nào cũng không ngăn ngừa hoặc chặn đứng quá trình tự sao chép của virus.
Trong vài tuần qua, Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp mạnh mẽ phòng ngừa Covid-19. Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) thông báo chuẩn bị hạ cấp quản lý Covid-19 xuống nhóm B, kể từ ngày 8/1 năm sau. Điều này có nghĩa chỉ cần "điều trị ở mức cần thiết và thực hiện các biện pháp hạn chế sự lây lan" đối với Covid-19.
Kể từ khi bùng phát đầu năm 2020, Covid-19 luôn được giới chức Trung Quốc xếp vào bệnh dịch cần quản lý cấp A, cùng mức với dịch hạch và bệnh tả. Quy định của nước này yêu cầu chính quyền các địa phương áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất với cấp A, gồm cách ly người bệnh và người tiếp xúc gần, cũng như huy động lực lượng hành pháp tham gia chống dịch, phong tỏa diện rộng tại địa phương phát hiện dịch bệnh.
Thục Linh (Theo Global Times, Bloomberg, Insider)