Đạo diễn Doãn Hoàng Giang khẳng định trên truyền hình chất lượng vở diễn bị mất đi 50-60% so với trên sân khấu. Các chương trình sân khấu truyền hình Việt Nam chủ yếu thực hiện theo phương cách: đến ký hợp đồng với nhà hát này, đoàn kịch kia để xin ghi hình khi họ diễn tại nhà hát rồi mang về phát sóng. Trên sân khấu, giữa đông đảo người xem, thủ pháp ước lệ, cách điệu trong các cảnh được chấp nhận vô điều kiện. Nhưng, cứ "bệ nguyên" như thế để phát trên truyền hình thì không khác gì mang bóng trên sân vận động vào đá trong nhà.
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, người lặn lội cả cuộc đời mình với sân khấu tuyên bố thẳng là ông hiếm khi xem trọn vẹn một vở kịch trên ti vi và không dám nhận lời mời làm đạo diễn sân khấu truyền hình. Còn Tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái cũng có quan điểm: "Đã xem sân khấu thì phải xem tươi sống, phải xem tận mắt, nghe tận tai. Sân khấu truyền hình chỉ là thứ đồ hộp dùng để dự trữ và xài đỡ khi trời mưa gió không đi chợ mua được đồ tươi mà thôi".
Một số nhà phê bình có ý kiến rằng sân khấu sẽ không "vô duyên" nếu truyền hình biết phát triển thế mạnh về kỹ thuật và mở rộng không gian trên màn ảnh. Truyền hình chỉ cần một thao tác máy, hình ảnh diễn viên sẽ đưa được vào cận cảnh, tạo ra tác động và hiệu quả rõ rệt với người xem. Một vở diễn được đưa lên màn ảnh phải được "truyền hình hóa", nhưng tác phẩm theo kiểu này còn rất ít. Có người cho rằng đây không phải là chương trình ăn khách của truyền hình nên không được chăm chút đầu tư như trước.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)