-
08h30
Chủ nhân giải thưởng VinFuture kể câu chuyện truyền cảm hứng
Sau lễ trao giải thưởng VinFuture tối 20/1 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), sáng 21/1, chủ nhân các giải thưởng VinFuture có buổi giao lưu mang tên Talk Future với khán giả Việt về những câu chuyện đằng sau từng công trình được giải.
Theo đó, Giáo sư Omar M. Yaghi, người đoạt Giải đặc biệt đầu tiên sẽ nói về công trình "Khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ – kim loại MOFs". Công trình nghiên cứu của ông trả lời cho câu hỏi về nước và những tiến bộ về khoa học vật liệu.
Trong phần 2, Giáo sư Zhenan Bao sẽ kể về công trình nghiên cứu chất bán dẫn hữu cơ, ống nano carbon, da điện tử và pin mặt trời carbon. Đáng chú ý hơn cả là công trình da điện tử, một phát minh giúp người khuyết tật có cảm giác như người bình thường khi chạm vào mọi vật thể.
Vợ chồng giáo sư Karim sẽ nói về câu chuyện đằng sau công trình nghiên cứu phòng ngừa và điều trị HIV. Một trong những công trình đáng chú ý nhất của họ là gel tenofovir CAPRISA 004. Loại gel này mang tính bước ngoặt, có thể ngăn được sự lây nhiễm HIV, thay thế được bao cao su.
Cuối cùng, Tiến sĩ Kariko, Weissman và Pieter R. Cullis, những chủ nhân của Giải thưởng chính của VinFuture trị giá 3 triệu USD sẽ nói về công trình nghiên cứu vaccine mARN, dẫn tới sự ra đời của vaccine ngừa Covid-19 Pfizer-BioNTech.
Giải thưởng VinFuture với mục tiêu phụng sự nhân loại
Quỹ VinFuture, ra mắt vào 20/12/2020 hoạt động độc lập, phi lợi nhuận do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân sáng lập với mục tiêu tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.
Đại diện ban tổ chức giải thưởng cho biết, VinFuture mở ra cơ hội kết nối trí tuệ giữa giới khoa học, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, hội tụ các nguồn lực để cùng chung tay thúc đẩy quá trình thương mại hóa, đưa các ý tưởng nghiên cứu vào phục vụ đời sống một cách thiết thực, hiệu quả đúng như mục tiêu khoa học phụng sự nhân loại mà giải thưởng đề ra.
-
08h40
7 nhà khoa học được vinh danh trong 4 giải thưởng của VinFuture
Trước đó, trong lễ vinh danh tối 20/1, 7 nhà khoa học đã được vinh danh trong 4 giải thưởng VinFuture. Đây đều là những nhà khoa học hàng đầu thế giới, và công trình của họ đã và đang mang lại tác động, thay đổi cho cuộc sống của hàng triệu người.
Công trình "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người", ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Cullis đã được vinh danh trong giải thưởng chính của VinFuture lần thứ nhất.
Giáo sư Katalin Kariko (67 tuổi) là người Mỹ gốc Hungary, được biết đến là ‘mẹ đẻ’ của công nghệ mRNA đứng sau vaccine Covid-19. Toàn bộ sự nghiệp của bà tập trung vào ARN thông tin (mRNA) vật liệu di truyền mang chỉ thị AND cho bộ máy tạo protein trong mỗi tế bào.
Giáo sư Drew Weissman (62 tuổi) là chuyên gia người Mỹ về bệnh truyền nhiễm. Ông đã dành hơn 15 năm nghiên cứu về mRNA nhằm sản xuất vaccine với niềm tin vào khả năng của mRNA tuỳ chỉnh. Hiện, ông là Giám đốc nghiên cứu vaccine, bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Perelman, ĐH Pennsylvania (Mỹ).
Giáo sư Pieter Cullis (76 tuổi) là người Canada, Giám đốc Viện Khoa học sự sống tại Đại học British Columbia(Canada). Ông và các đồng nghiệp đã đạt được những tiến bộ mang tính nền tảng, tạo ra và đưa vào hệ thống các hạt nano lipid (LNP) vào tĩnh mạch, dưới hình thức các loại thuốc dạng phân tử nhỏ, đại phân tử như RNA can thiệp nhỏ (siRNA).
Vợ chồng nhà khoa học Nam Phi nhận giải "Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển" với phát minh gel có chứa dược chất tenofovir – sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV.
Bà Salim Abdool Karim là một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, với những nghiên cứu chính là tìm hiểu sự lây lan của HIV ở Nam Phi và phòng chống nhiễm HIV ở phụ nữ. Ông Quarraisha Abdool Karim là nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, có nhiều đóng góp trong việc phòng ngừa và điều trị HIV. Ông còn đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống Covid-19 của Nam Phi với tư cách là đồng Chủ tịch Ủy ban cố vấn của Bộ trưởng Nam Phi về Covid-19.
Giáo sư Zhenan Bao nhận giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ với nghiên cứu "Sự phát triển của thiết bị điện tử hữu cơ dẻo linh hoạt được ứng dụng trong các ứng dụng bề mặt sinh học và cảm biến". Nữ giáo sư người Mỹ gốc Trung nghiên cứu về da điện tử siêu co giãn như da thật, có thể tự phân hủy, tự chữa lành vết thương, cấy được vào cơ thể người. Bà phát triển bán dẫn công nghệ cao có thể bắt chước như da thật, cảm giác đau đến não.
Giáo Sư Omar M. Yaghi nhận giải Đặc biệt thứ nhất với công trình "Khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ – kim loại MOFs". Ông là một nhà hoá học, hiện làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc ĐH California-Berkeley (Mỹ). Công trình nghiên cứu của ông mang đến câu trả lời cho câu hỏi về nước và những tiến bộ về khoa học vật liệu liệu có thể đạt được gì. Nước có thể tạo ra từ không khí có thể tách CO2 từ không khí và từ đó tạo ra nhiên liệu đốt.
-
09h05
'Khoa học mở ra tương lai'
Phát biểu mở màn trong buổi giao lưu với chủ nhân các giải thưởng VinFuture, Tiến sĩ Lê Mai Lan - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học đã tham dự Lễ trao giải thưởng ngày hôm qua. Bà tin rằng, khoa học sẽ giúp thế giới làm được những điều không tưởng, lớn lao và trở nên tươi đẹp hơn.
Như nhiều gia đình Việt nam sau chiến tranh, gia đình bà gặp nhiều thiếu thốn. Dù rất muốn nhưng bà không xin tiền mua sách truyện mới. Cha bà, người biết 6 ngoại ngữ đã tự dịch và chép tay thành sách cho con. Đó chính là những bài học đầu tiên về khoa học giúp bà vươn lên sau này.
"Tri thức và khoa học sẽ giúp chúng ta thoát khỏi nghèo đói, phát triển. Khi trở lại Việt Nam làm việc, tôi đã gia nhập Vingroup để hiện thực hóa những sứ mệnh mình ấp ủ. Chúng tôi muốn xây dựng tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người, với sự hỗ trợ từ khoa học, công nghệ", bà Mai Lan nói.
Theo bà, sự chung tay của nhà khoa học ở nhiều quốc gia, không chỉ nước phát triển mà những nước như Việt Nam cũng tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ. "Nhân tài mà VinFuture phát triển chính là chìa khóa để tạo dựng tương lai cho tất cả mọi người", bà Mai Lan nhấn mạnh.
-
09h20
Giáo sư Omar M.Yaghi chia sẻ về công trình nghiên cứu về vật liệu khung cơ kim
Để hiểu hơn về con đường đi tới thành công không dễ dàng của các nhà khoa học. Talk Future đã mở ra không gian để họ nhìn lại quá khứ, tuổi thơ, con đường nghiên cứu của chính mình.
Nhà khoa học đầu tiên bắt đầu phần giao lưu là Giáo sư Omar M.Yaghi, Chủ tịch James and Neeltje Tretter tại Đại học California, Berkeley và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
Nhà khoa học người Mỹ gốc Jordan giành giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực mới với công trình nghiên cứu về vật liệu khung cơ kim (Metal-Organic Frameworks hay MOFs). Đây là nhóm vật liệu mới được làm từ kim loại và các hợp chất hữu cơ, mang lại bước tiến mới trong cuộc cách mạng trong hóa học khi có nhiều ứng dụng tiềm năng trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi khí phát thải carbon, lọc nước, lọc không khí, xúc tác và cảm biến.
Trước khi vào bài nói của mình, ông đặt ra 3 câu hỏi cho khán giả: Làm thế nào giải quyết vấn đề phát thải Carbon dioxit trong không khí; Làm thế nào để lấy nước từ không khí; Có vật liệu nào mà chỉ cần một gram thôi cũng có thể che phủ được sân bóng đá?
Nhiều khán giả đã trả lời câu hỏi của ông như trồng cây để giảm CO2, làm lạnh không khí để lấy nước, nhưng Giáo sư Omar M.Yaghi cho biết, đó chưa phải là các câu hỏi tối ưu. Để trả lời cho những câu hỏi mà mình đặt ra, giáo sư đã đưa khán giả trở lại câu chuyện đã dẫn lối ông đến với khoa học.
Niềm đam mê khoa học từ năm 10 tuổi
Ông cho biết, khi 10 tuổi, trong một lần đến thư viện và nhìn thấy hình ảnh mô hình phân tử, ông đã rất ấn tượng vì vẻ đẹp của mô hình. Nhiều năm sau, khi tìm hiểu về hoá học và vật liệu, ông mới nhận ra rằng, hình ảnh mô hình phân tử nhìn thấy vào năm 10 tuổi chính là khởi điểm đưa ông đến với hoá học và vật liệu.
"Trong 3 năm trở lại đây, chúng tôi đã tạo ra vật liệu rất nhỏ, với 1 gram to bằng khoảng 1 đồng xu có thể che phủ hẳn một sân bóng đá, chính là vật liệu khung cơ khí (Metal-Organic Frameworks hay MOFs). Khi phân tích ở góc độ phân tử, có thể thấy vật liệu có nhiều lỗ rỗng và có liên kết mạnh mẽ để trải vật liệu ra một bề mặt rất rộng", ông mô tả.
Từ lỗ rỗng này có thể chuyển đổi khí phát thải carbon, lọc nước, lọc không khí, xúc tác và cảm biến. Ở những khu vực sa mạc với độ ẩm thấp vật liệu khung cơ kim có thể lập trình để lấy được nước trong không khí. Khi nhìn vào vật liệu ở cấp độ phân tử, sẽ thấy lỗ rỗng của phân tử sẽ có tích tụ, từ đó dùng để làm nước.
"Khi còn nhỏ, tôi không nghĩ mình có thể thay đổi thế giới, hoặc có thể tạo ra vật liệu có ý nghĩa lớn tới vậy. Tôi đến với hoá học là từ vẻ đẹp của phân tử, nhưng tôi đã có thể gián tiếp giải quyết các vấn đề của hành tinh", giáo sư chia sẻ.
-
9h40
Từ cậu bé nghèo đến chủ nhân giải thưởng VinFuture
Giáo sư Omar M.Yaghi mở chiếc hộp bí mật chứa mô hình vật liệu MOFs. Ông cho biết khi mới phát minh ra MOFs ông đã rất phấn khích nhưng rất khó để người bình thường hình dung được mô hình này. Vì thế ông đã tạo ra mô hình trực quan giúp người xem hình dung được cấu trúc của MOFs.
"Từ một cơ chế, chúng ta có thể tạo ra rất nhiều hình dạng, vật chất khác nhau để giải quyết nhiều vấn đề nhức nhối trên thế giới. Với khoa học, chỉ cần chúng ta có ý chí, quyết tâm, nguồn lực thì con người có thể tạo ra mọi giải pháp cho thế giới. Với MOFs, chỉ với một mô hình, chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề khác nhau", Giáo sư Yaghi chia sẻ.
Tại buổi chia sẻ, Giáo sư Omar M. Yaghi cũng tỏ ra phấn khích khi được nhìn lại những hình ảnh thuở nhỏ của mình. "Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, nên không có tiền mua đồ chơi. Tôi là người độc lập, từ nhỏ tôi đã tự chịu trách nhiệm cho việc học của mình và không để cha mẹ bận tâm. Cuộc sống khó khăn, gia đình 10 người của tôi phải sống chung cả với bò", ông chia sẻ về tuổi thơ.
Giáo sư cho rằng 80% người trẻ ở các quốc gia đang phát triển cũng gặp khó khăn giống ông. Tuy nhiên, ông cho rằng, tình yêu và sự khích lệ của gia đình là điểm mấu chốt giúp ông tự tin và tiến về phía trước
-
09h45
Một khán giả đặt câu hỏi cho Giáo sư Omar M.Yaghi: Làm thế nào để làm khoa học bền vững? Trả lời câu hỏi này, ông nói, con người đang choáng ngợp với khối lượng thông tin khổng lồ. Nhiều người chấp nhận những thông tin đó mà không đi kiểm tra tính xác thực. Với góc độ là nhà khoa học, Giáo sư cũng phải đặt ra câu hỏi là những gì mình tạo ra sẽ được ứng dụng như thế nào, đi đâu và về đâu, tác động của nó đến mọi thứ như nào.
"Giải thưởng này là sự vinh danh cho những người như tôi - một nhà khoa học. Rộng hơn, giải thưởng cũng sẽ tạo tiền đề cho cộng đồng khoa học nói chung, mở ra giấc mơ của nhiều người. Tôi chỉ muốn nói là chúng ta hãy trung thực và đam mê để theo đuổi đến cùng lý tưởng của mình", Giáo sư Omar M.Yaghi nói.
-
09h52
Giáo sư Zhenan Bao với hành trình nghiên cứu về da điện tử
Phần tiếp theo của chương trình bắt đầu với câu chuyện của bé Nguyễn Như Linh (SN 2010, ở Thượng Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) bị cụt đến khuỷu tay, một chân bị khoèo, thiếu ngón. Linh thông minh và nhanh nhẹn. Viết chữ, chép bài bằng chân, nhưng nét chữ của em rất tròn trịa, ngay ngắn, đẹp không kém bất cứ học sinh bình thường nào.
Từ câu chuyện của Linh, chương trình đặt ra câu hỏi "Khoa học có thể làm gì để giúp người khuyết tập làm chủ cuộc đời". Để trả lời câu hỏi này, chương trình giới thiệu Giáo sư Zhenan Bao đến từ đại học Standford.
Nhà khoa học người Mỹ gốc Trung Quốc đã cùng các cộng sự phát triển da điện tử tự lành, siêu co giãn và có thể cảm nhận như da thật. Da điện tử được phát triển từ các lớp nhựa bán dẫn công nghệ cao, có thể co giãn, bắt chước khả năng uốn cong và chữa lành như da thật, đồng thời có cảm biến nhiệt độ, có cảm giác đau, cũng có khả năng phân huỷ sinh học và thân thiện với môi trường. Phát minh mở ra cơ hội cho hàng triệu người được phục hồi chức năng hiệu quả.
Bà chia sẻ về con đường nghiên cứu khoa học của mình từ khi bắt đầu đến Mỹ học đại học, làm việc chăm chỉ để mưu sinh, học hành rất vất vả. Sau đó bà may mắn được nhận vào đại học Chicago và nghiên cứu về vấn đề phân tử.
"Sau khi nhận bằng tiến sĩ, tôi phân vân xem nên đi làm hay tiếp tục đi học. Tôi được nhận vào làm việc tại một phòng thí nghiệm nghiên cứu đến chất bán dẫn, hố đen vũ trụ...Công việc khích lệ tôi nghiên cứu phân tử có thể đi đến đâu, làm được gì?", Giáo sư cho biết.
Từ những nghiên cứu này sau đó đã được ứng dụng vào thực tế chính là điện thoại với màn hình gập như ngày nay. Sau 8 năm nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, bà đến đại học Stanford để giảng dạy, và giúp mọi người. Trong nhiều trao đổi với đồng nghiệp bà nhận ra có một tỷ lệ cao người dân cần phải lấy lại cảm xúc của làn da cho những người khuyết tật.
Giáo sư Zhenan Bao cho biết: "Tôi nghĩ nếu có thể tạo ra một điện thoại có màn hình gập thì sao không thể tạo ra những thứ có thể giúp người khuyết tật. Chúng tôi nghiên cứu phân tử để tạo ra một làn da nhân tạo, cũng giống như chúng ta tạo ra cảm biến của cơ thể để nắm bắt cảm giác của việc chạm vào đồ vật. Đó là điểm khởi đầu và đến nay chúng tôi đã tạo ra những thế hệ mới của da nhân tạo có thể kéo dãn mở rộng".
-
10h05
Tình yêu khoa học từ năm 4 tuổi với thí nghiệm nước đá
Giáo sư Zhenan Bao lấy ra mô hình bàn tay từ chiếc hộp trên sân khấu. Bà cho biết rất phấn khích khi có thể giúp cho bàn tay nhân tạo có xúc giác từ các tín hiệu kết nối với não. Bà tự hào khi nguyên vật liệu tạo nên mô hình này chỉ từ những thứ đơn giản có ngay trong phòng thí nghiệm.
Chia sẻ về lý do trở thành nhà khoa học, bà Bao cho biết gia đình bà đều theo nghiệp này. Cha bà là nhà vật lý, còn mẹ là nhà hóa học. "Khi tôi 4 tuổi, cha có đưa tôi đến công viên và mua cho tôi một ly nước đá. Cha đã đặt rất nhiều câu hỏi như "điều gì sẽ xảy ra nếu thả viên đá vào nước". Điều này giúp tôi nhận ra nước đá nhẹ hơn nước. Từ đó, tôi hình thành tình yêu với khoa học vì nó quá thú vị và nhiều bí ẩn"...
Bà cho biết khi di cư đến Mỹ, bà là người có rất nhiều hoài bão, ước mơ. "Khi được nhận vào đại học tại đó tôi đã tưởng tượng ra tương lai của mình. Những tôi là người nhút nhát. Tôi nhớ rất rõ bài thuyết trình nghiên cứu sinh của mình. Khi đó, tôi run đến mức không đọc nổi. Đó là một kỷ niệm đẹp".
Giáo sư Bao cho biết bà để vượt qua sự nhút nhát, bà không ngừng đặt câu hỏi. Bà học cách nói chuyện, tiếp cận với mọi người để học thêm kiến thức, phát triển bản thân trong lĩnh vực.
Chia sẻ về cảm hứng tạo nên công trình của mình, Giáo sư cho biết bà từng có cơ hội hợp tác với rất nhiều đồng nghiệp trong lĩnh vực y học, công nghệ, cơ khí... Điều đó khích lệ bà nghiên cứu về những lĩnh vực mới, áp dụng với kiến thức về công nghệ phân tử sẵn có để tạo ra công trình mang tính tầm cỡ.
-
10h13
Vợ chồng giáo sư Karim chia sẻ quá trình đến VinFuture
Bài chia sẻ tiếp theo được dành cho đôi vợ chồng đều là Giáo sư, ông Salim Abdool Karim bà Quarraisha Abdool Karim.
Hai vợ chồng đạt giải cho nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển với phát minh gel có chứa dược chất Tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV. Thử nghiệm lâm sàng đã mang lại kết quả đột phá. Thuốc kháng virus có chứa dược chất như gel tenofovir giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV qua đường tình dục.
Nói về hành trình trước khi đến VinFuture, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim và Giáo sư Salim Abdool Karim nói bị ám ảnh với căn bệnh AIDS thế kỷ tại nơi mình sinh ra.
Theo hai nhà khoa học, phụ nữ có tỷ lệ mắc virus HIV cao gấp 4 lần nam giới. Trong khi những biện pháp phòng tránh HIV tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu không tiếp cận đến nhiều phụ nữ.
Khi nghiên cứu về HIV và viêm phổi, hai nhà khoa học đã tình cờ phát hiện ra một vài hoạt chất có thể hữu ích trong điều trị HIV. "Chúng tôi nghĩ mình phải tạo ra một sản phẩm nào đó, để phụ nữ không phải lo lắng về căn bệnh thế kỷ nữa. Và sau nhiều lần thất bại, đến tận năm 2010, chúng tôi mới tạo ra được một sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên", vợ chồng giáo sư Karim chia sẻ.
Bằng mối quan hệ và niềm đam mê khoa học, vợ chồng giáo sư đã tìm kiếm những đơn vị có thể cung cấp thành phần sản xuất một loại gel có chứa dược chất tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV.
-
10h50
Để "làm nóng" phần trò chuyện với ông vợ chồng giáo sư Karim, hai người dẫn chương trình tổ chức trò chơi "Couple or Trouble" để tìm hiểu về sự đồng điệu giữa cặp đôi khoa học.
Với câu hỏi "Tiền thưởng của giải thưởng Vin Future sẽ chuyển vào tài khoản của ai?", hai nhà khoa học đã cùng đưa ra câu trả lời là tài khoản chung của họ. Câu hỏi tiếp theo cũng cho thấy sự đồng điệu của hai vị giáo sư: "Ai là người nấu ăn để người còn lại có thời gian làm khoa học?", ông Salim Abdool Karim cho biết mình không biết nấu ăn, còn nữ Giáo sư trả lời rằng bà sẽ nấu bữa tối trong khi ông chuẩn bị bữa sáng cho cả hai.
Phần giao lưu tiếp tục khi vợ chồng giáo sư Karim lựa chọn mở chiếc hộp màu đỏ. Ông Salim Abdool Karim cho biết lý do bà lựa chọn màu đỏ vì đây là màu đại diện cho chiến dịch chiến dịch phòng chống HIV/AIDS. Chiếc hộp được mở ra với mô hình thiết bị thoa gel phòng chống HIV Tenorfovir cho phụ nữ. Hai nhà khoa học cho biết, đây là bước tiến rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học, bởi thuốc đã có, gel đã được sản xuất, nhưng câu hỏi là làm thế nào để phụ nữ có thể sử dụng. Mô hình của dụng cụ giống như một chiếc xi lanh đã giải quyết vấn đề này.
Vợ chồng Giáo sư chia sẻ, sau nghiên cứu về gel phòng chống HIV, trong 3 đến 4 năm qua đã có nhiều nghiên cứu chứng minh loại thuốc có trong gel đã có thể sử dụng ở dạng uống, dạng viên. Đến năm 2017 Tenorfovir đã được đưa vào công tác phòng chống HIV.