Lâu nay, sân khấu kịch phía Bắc không có không khí sôi nổi của những năm 1980, khi mà đi xem kịch là một nét sinh hoạt văn hóa đẹp... Vì thế, việc các đoàn: Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát kịch Quân đội, Đoàn Cải lương Hải Phòng, Đoàn kịch Nam Định, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế cùng hội tụ về Hà Nội biểu diễn trong suốt tháng 9 sẽ làm sân khấu thủ đô sống lại thời kỳ huy hoàng của sân khấu năm nào.
Vở "Hồn Trương Ba, da Hàng thịt", nhưng là phiên bản kịch hình thể do Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng. Ảnh: Hiền Đỗ. |
Các đoàn nghệ thuật sẽ diễn 12 vở dựa trên 10 kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ trong Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ do Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức để tưởng niệm 25 năm ngày mất của kịch tác gia nổi tiếng này.
Những năm 1970, 1980, Lưu Quang Vũ là một hiện tượng của sân khấu Việt Nam khi sáng tác và để lại một số lượng lớn kịch bản với tư duy sâu sắc và nhân văn. Nhiều đơn vị sân khấu thời đó đã dàn dựng vở của Lưu Quang Vũ, được đông đảo khán giả yêu thích và giành nhiều huy chương tại các hội diễn. Trong Liên hoan lần này, các đoàn sẽ diễn lại những vở nổi tiếng như "Lời thề thứ 9", "Mùa hạ cuối cùng", "Hồn Trương Ba, da Hàng thịt", "Ông không phải bố tôi", "2000 ngày oan trái"... tại các sân khấu thủ đô như Rạp Công Nhân, Rạp Đại Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ.
Vở "Hồn Trương Ba, da Hàng thịt" do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng. Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam. |
Tham gia liên hoan lần này, các đoàn đã bỏ nhiều công sức, sự sáng tạo để dàn dựng các vở kịch của Lưu Quang Vũ, vẫn giữ cốt cách, trung thành kịch bản, song lại mang hơi thở, tinh thần hiện đại. Bên cạnh những vở kịch, chèo, cải lương được dựng theo lối truyền thống, Nhà hát Tuổi Trẻ còn đưa vở "Hồn Trương Ba, da Hàng thịt" nổi tiếng lên sân khấu kịch hình thể. Đó vừa là một thể nghiệm mới, vừa là sự sáng tạo của các nghệ sĩ ngày nay, đồng thời thể hiện tính nghệ thuật và giáo dục trong các kịch bản của Lưu Quang Vũ còn nguyên giá trị tới hôm nay và nhiều năm sau.
Hiền Đỗ