Thứ ba, 24/12/2024
Thứ hai, 3/6/2024, 12:21 (GMT+7)

San hô Côn Đảo trước và sau khi bị tẩy trắng

Trước khi bị tẩy trắng do nước biển nóng lên, san hô ở Côn Đảo được dân lặn chuyên nghiệp đánh giá "đẹp nhất Việt Nam" với các rạn dày, đa dạng và rực rỡ sắc màu.

Anh Nguyễn Thái, 29 tuổi, huấn luyện viên lặn bình khí 4 năm tại Côn Đảo Dive Center, cho biết những người lặn chuyên nghiệp như anh nhận thấy Côn Đảo là điểm lặn và ngắm san hô "đẹp nhất Việt Nam" vì được bảo tồn tốt.

Tuy nhiên, mọi thứ gần đây thay đổi khi san hô ở Côn Đảo bị tẩy trắng hàng loạt. Hôm 31/5, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết các rạn san hô hư hại xảy ra ở khu vực ven bờ vịnh Côn Sơn, hòn Bảy Cạnh, vịnh Đầm Tre, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Trứng ở vùng nước cách bờ khoảng 30 - 40 m.

Trong ảnh, san hô ở Hòn Tài bị tẩy trắng cách đây hơn một tuần.

Ảnh chụp ở khu vực bụi san hô cứng tại hòn Tài cách đây hai tuần. Ở góc trái ảnh có thể nhìn thấy tảng san hô cứng đang bị tẩy trắng. Trong quá trình lặn, anh Thái cũng chứng kiến những loại san hô khác như san hô bắp cải, san hô khối hay hải quỳ bị tẩy trắng.

"Từng được ngắm nhìn san hô Côn Đảo những ngày đẹp nhất, tôi rất buồn khi thấy cảnh hiện nay", anh nói.

Hình ảnh san hô quạt được anh Thái chụp tại khu vực hòn Bông Lan hai năm trước. Bên cạnh các loài san hô cứng, anh nhận thấy nhiều loài san hô mềm cũng đang chết dần.

Theo Trường đào tạo lặn bình khí quốc tế (SSI), san hô cứng chủ yếu được tìm thấy ở vùng nước nông, khoảng 40 m tính từ mặt nước biển, có kết cấu cứng, tạo thành các rạn san hô. San hô mềm có thể dễ dàng phân biệt nhờ chuyển động mềm mại dưới nước, có nhiều hình dạng như quạt, roi.

Một con cá mao tiên bên rạn san hô ở khu vực hòn Bảy Cạnh, ảnh chụp năm 2022.

San hô bông cải tím hay san hô súp lơ tím ở hòn Tài năm 2022. Theo anh Thái, san hô Côn Đảo vài năm trước dày và màu sắc rực rỡ hơn nhiều hiện tại.

Theo Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, san hô bị tẩy trắng, chết do nhiệt độ nước biển tăng cao vì El Nino (nhiệt độ nước ghi nhận 32 độ C, trong khi nhiệt độ lý tưởng của san hô dao động 24-30 độ C). Điều này khiến san hô trục xuất tảo sống trong mô ra ngoài, cây không quang hợp được nên bị chết.

Anh Thái nhận thấy san hô bắt đầu bị tẩy trắng từ năm ngoái nhưng số lượng năm nay nhiều hơn.

Trong ảnh, một con cá hề cát bơi bên cạnh hải quỳ ở hòn Bảy Cạnh năm 2022.

Huyện Côn Đảo gồm 16 đảo lớn nhỏ nằm ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích khoảng 76 km2. San hô ở đảo phát triển rất mạnh ở xung quanh Vườn quốc gia Côn Đảo, với diện tích khoảng 1.500 ha và 360 loài. Hiện tượng san hô chết từng diễn ra ở đây, nặng nhất là những năm 1998, 2010, 2016 do El Nino.

Cá hề màu cam bơi bên trong hải quỳ ở hòn Bảy Cạnh, ảnh chụp năm 2022. Ở hòn Bảy Cạnh, nhiều người thích lặn ở vị trí được đặt tên "Firework" (pháo hoa). Vào những ngày nắng, nước trong, rạn san hô bên dưới lấp lánh như pháo hoa. Tuy nhiên, anh Thái nói khung cảnh này hiện không còn khi san hô bị tẩy trắng hàng loạt.

Khi lặn, anh Thái nhận thấy san hô gần bề mặt nước (từ 8 m đến bề mặt) bị tẩy trắng gần hết, san hô bên dưới ít bị ảnh hưởng hơn.

San hô bị tẩy trắng
 
 

Sò tai tượng bên cạnh tảng san hô khối đang bị tẩy trắng tại hòn Bảy Cạnh hai tuần trước. Video: Nguyễn Thái

Nam huấn luyện viên nói nhiều điểm lặn ngắm san hô trên thế giới cũng trải qua tình trạng tương tự do điều kiện thời tiết. Theo anh, san hô bị tẩy trắng như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động lặn biển ở Côn Đảo.

Anh Thái chia sẻ rạn san hô ở Côn Đảo khỏe nên có nhiều san hô non (ảnh) đang phát triển. Tuy nhiên, thời gian để chúng trưởng thành như các rạn san hô hiện tại có thể kéo dài cả chục năm.

Tú Nguyễn

Ảnh: Nguyễn Thái

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net