Theo thống kê Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương), tại thời điểm bắt đầu mở, 0h ngày 7/12, hệ thống mua sắm trực tuyến đã ghi nhận 57.000 người truy cập trong một giây. Đã có trên 580.000 đơn hàng được đặt hàng thành công, gấp 1,5 lần so với ngày thường.
Chất lượng hàng hoá chính hãng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số là điểm nhấn của Online Friday năm nay. Hơn 27.000 sản phẩm chính hãng được kiểm soát về nguồn gốc. Trong số này có hàng ngàn sản phẩm giá 0 đồng hoặc giảm giá lên tới 80% – 90% như vé máy bay, điện thoại, đồ gia dụng điện tử, xe máy điện... đến từ các thương hiệu lớn trong và ngoài nước.
Trên 70% khách hàng mua sắm bằng điện thoại di động và sử dụng quét QR code để săn mã giảm giá. Số lượt tương tác, quét QR code các sản phẩm đã lên tới hơn 1 triệu, tính đến trưa ngày 7/12.
Còn đến cuối giờ chiều ngày 7/12 đã có 920.000 đơn hàng đặt thành công, tỷ lệ đặt hàng COD chiếm 87%. Ông Hải ước tính sẽ có 1,8-2 triệu đơn hàng trên toàn thị trường giao dịch thành công trong ngày mua sắm trực tuyến năm nay.
"60 máy chủ với tốc độ truy cập 10 Mgb/giây đã giúp người mua trải nghiệm dễ dàng, khắc phục điểm nghẽn mạng của các năm trước", ông Hải chia sẻ.
Online Friday 2018 dự kiến có thể đáp ứng 5 triệu lượt người truy cập hệ thống và 120.000 người truy cập cùng lúc. Năm nay, Ban tổ chức Online Friday đặt mục tiêu doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, 2 triệu đơn hàng thành công với 5 triệu lượt truy cập, cùng 50 triệu lượt tương tác, tìm kiếm thông tin và trải nghiệm mua sắm.
Ngày mua sắm trực tuyến được Chính phủ phê duyệt, diễn ra vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12 tổ chức lần đầu năm 2014. Năm 2016, sự kiện đạt tổng doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia. Năm 2017, đã có 2,4 triệu lượt truy cập vào trang mua sắm của chương trình với 1,3 triệu đơn hàng được giao dịch, doanh thu hơn 1.220 tỷ.
Anh Minh