Chị Mẫn Thị Tiết, cán bộ nhân sự tập đoàn La Thị - Hong Kong chốc chốc lại nhìn đồng hồ. 11h sáng nhưng chị mới nhận được 2 bộ hồ sơ, trong khi nhu cầu tuyển dụng của tập đoàn không hạn chế. Vị trí tuyển rất đa dạng từ trưởng phòng đến nhân viên các phòng nhân sự, hành chính, kế toán, xuất nhập khẩu và cả nghìn công nhân may.
"Tập đoàn chuẩn bị đưa vào hoạt động 2 nhà máy, một ở Bắc Ninh, một ở Hà Tây. Chúng tôi đến sàn với hy vọng sẽ tuyển được lao động chất lượng cao cho nhà máy ở Hà Tây, nhưng không ngờ lại vắng thế này", chị Tiết nói. Chị cho biết thêm, tập đoàn đã tham gia nhiều phiên giao dịch tại Bắc Ninh (cố định ngày 15 hằng tháng), mỗi phiên có thể sơ tuyển, tiếp nhận hàng trăm hồ sơ.
Không có ứng viên, nhiều nhà tuyển dụng đành ngồi buôn chuyện. Ảnh: H.K. |
Bà Nguyễn Thị Minh Châu, Giám đốc Công ty TNHH Giác Đức Thành đành phải ngồi chơi. Công ty này muốn tuyển một giám đốc điều hành, một trưởng phòng kinh doanh nhà hàng cơm chay và 10 cộng tác viên là sinh viên, nhưng cả buổi sáng chỉ có 2 người đến hỏi thăm và chưa có ai lọt "mắt xanh" bà giám đốc.
"Chắc chắn là không tuyển được rồi, đành để phiên sau vậy", bà Châu nói. Theo bà cũng như nhiều nhà tuyển dụng, sở dĩ sàn giao dịch vắng khách là thời điểm này đúng vào lúc sinh viên, lực lượng đông đảo nhất đến sàn, đang bận thi cử. Các ứng viên khác thì bị phân tâm bởi Tết cận kề. Hơn nữa, tiết trời mưa phùn, gió rét đã khiến các ứng viên ngại đến sàn.
Một lý do khác, theo cựu sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Hiệu, là các nhà tuyển dụng đưa ra yêu cầu quá cao. "Vị trí cán bộ kỹ thuật đòi hỏi phải có kinh nghiệm làm việc, trong khi phần đông sinh viên mới ra trường làm sao có kinh nghiệm? Đó là chưa kể mức lương đưa ra quá thấp, khởi điểm chỉ 1,5-2 triệu đồng trong khi giá cả tiêu dùng lại tăng quá cao", Hiệu giải thích cho việc chỉ quan sát bảng thông báo tuyển dụng, chứ không vào phỏng vấn.
Trong 64 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch hôm qua, duy nhất có Công ty cổ phần chứng khoán VNS là đông khách. VNS chỉ tuyển 20 nhân viên bảo vệ, 10 kế toán viên và 10 thu ngân, nhưng các ứng viên đã quây kín 2 cán bộ nhân sự của công ty này. Một ứng viên giải thích: "Chứng khoán đang là nghề thời thượng, hơn nữa thưởng Tết của các công ty chứng khoán nói chung rất cao".
Tuy nhiên, để nộp hồ sơ vào VNS không dễ. Một lễ tân, tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ, đang hưởng mức lương tháng 1,7 triệu đồng, khi trả lời phỏng vấn đã bị nữ cán bộ nhân sự của VNS hỏi: "Em làm lễ tân lương tháng đã 1,7 triệu đồng là quá cao. Công ty chị chưa chắc đã trả mức lương như vậy đâu". Nói xong, chị này trả lại hồ sơ và yêu cầu ứng viên phải bổ sung điện thoại của công ty đã làm việc.
Bàn tuyển dụng của VNS đông khách nhất. Ảnh: H.K. |
Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, đơn vị tổ chức sàn giao dịch việc làm, thừa nhận phiên hôm qua không được sôi nổi, kết quả không được như những phiên trước. Cả phiên chỉ có 650 người được tuyển, tức là thừa tới 6.000 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ có 50 lao động phổ thông, trong khi nhu cầu tuyển của lực lượng này lên tới 4.650 người.
"Chúng tôi đã lường trước được việc vắng khách bởi cận Tết, trời lại mưa phùn, gió rét. Nhưng để duy trì nề nếp hoạt động của sàn, Trung tâm vẫn tổ chức", ông Chính nói. Ông cũng dự trù phiên giao dịch vào ngày 20/2 (tức 14/1 âm lịch), sàn còn vắng nữa, do ứng viên còn mải mê chơi Tết.
Giám đốc Chính cho biết thêm, để thu hút số lao động ngoại thành, nơi cung cấp phần lớn lao động phổ thông cho các nhà tuyển dụng, trong năm nay, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội sẽ mở thêm 4 sàn vệ tinh tại 4 hướng của thành phố. Công tác tuyên truyền, quảng cáo cho sàn cũng sẽ được tăng cường hơn nữa.
Hồng Khánh