Tất nhiên, tôi cũng tin tưởng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam. Là doanh nghiệp ngành dệt may, một trong những lĩnh vực vẫn được cho là sẽ "hưởng lợi” nhiều nhất khi Việt Nam gia nhập TPP, chúng tôi đã chờ đợi những tín hiệu tích cực từ TPP trong suốt 5 năm qua, kể từ khi Việt Nam chính thức tham gia vào tiến trình đàm phán. Nhưng đối với câu chuyện về TPP, có lẽ tôi không được lạc quan như người bạn của mình.
Tôi hỏi anh sẽ ra sao nếu người hàng xóm Trung Quốc cũng gia nhập vào hiệp định này? Anh nói ngày ấy còn xa lắm, vì Mỹ không thích Trung Quốc. Tôi lại hỏi nếu sắp tới Mỹ và các nước vì muốn khai thác thị trường Trung Quốc mà thay đổi ý định thì sao? Hoặc doanh nghiệp Trung Quốc lách luật bằng cách đầu tư sản xuất ở một nước thứ hai thuộc nhóm TPP (có thể là chính ngay tại Việt Nam), lúc đó chúng ta sẽ cạnh tranh như thế nào, ưu thế của hàng Việt Nam sẽ nằm ở đâu? Với thắc mắc đó, câu chuyện của chúng tôi đã đi vào im lặng.
Qua câu chuyện, tôi cảm nhận dường như một số doanh nghiệp đang đón chờ TPP như một sự ưu đãi thay vì bước vào một sân chơi thực sự. Chúng ta thích các ưu đãi. Chúng ta quá tập trung vào những điều được "hưởng lợi” mà không hiểu bản chất của sự tự do thương mại, vốn không có gì thuần túy là “lợi” hay “hại”. Đó là một trật công bằng, nơi các lợi thế đặc thù do các quốc gia dựng lên sẽ được gỡ bỏ. Nếu ngành công nghiệp ôtô của ta yếu, ta không thể ngăn các nước bán ôtô vào nước mình được nữa, mà buộc phải mở cửa đón họ vào. Khi đó, sẽ chỉ còn lại một yếu tố duy nhất quyết định sự thành bại, đó là năng lực cạnh tranh thực sự của các doanh nghiệp mà thôi.
Một chính sách thuế hoặc quy định về lao động, hôm nay có thể là lợi thế đối với một vài doanh nghiệp, nhưng ngay ngày mai lại có thể trở thành điểm yếu nếu đối thủ của họ tận dụng chính sách tốt hơn. Với cả những ngành nghề chúng ta tự cho là có lợi thế như nông nghiệp, thủy hải sản, dệt may, du lịch... nếu không khéo các doanh nghiệp ngoại sẽ đến tham gia và “khai thác giúp” chúng ta ngay trên sân nhà trong một tương lai gần.
Thú vị thay, tinh thần của một hiệp định thương mại tự do là xóa đi các rào cản, thì chúng ta lại mong chờ nó sẽ trở thành rào cản cho những quốc gia khác, để giúp hàng hóa của Việt Nam rẻ hơn, dễ thâm nhập thị trường hơn. Đây rõ ràng không phải là một lợi thế cạnh tranh bền vững, mà chỉ có tính chất tạm thời. Tôi tin rằng, nếu TPP hoạt động có hiệu quả, sẽ có thêm nhiều nước muốn tham gia, và các thành viên hiện có cũng sẽ không bỏ qua cơ hội để tiếp tục mở rộng thị trường của họ.
Tôi còn nhớ trong kỳ thi vào THPT, tôi đã ấn tượng bởi câu nói của một bạn thí sinh cùng phòng. Trong khi tất cả chúng tôi khi đi thi đều muốn đạt điểm thật cao, thì bạn đã nói với tôi: "Mình chỉ mong làm được đúng sức, và điểm sẽ được chấm công bằng". Tôi nghĩ đó là sự tự tin và tinh thần tôn trọng luật chơi cần có của một thí sinh. Cũng như vậy doanh nghiệp cần một sự chuẩn bị nghiêm túc cho cuộc chơi công bằng và quyết liệt, thay vì trông chờ các ưu đãi "trên trời rớt xuống” từ một điều khoản nào đó.
Hiệp định thương mại không phải là một cây đũa thần, tự bản thân nó không làm doanh nghiệp Việt mạnh lên, làm hàng hóa Việt xuất khẩu nhiều lên. Chúng ta cũng không hy sinh một vài ngành để đánh đổi lấy quyền lợi cho các ngành mũi nhọn khác. Mà thực chất, Việt Nam sẽ bước vào tình thế toàn bộ nền kinh tế nội địa hoặc sẽ phát triển đột phá, hoặc sẽ rơi dần vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Tất cả hãy còn ở phía trước và chờ đợi tinh thần đoàn kết, sáng tạo của người Việt ngay từ giờ phút này.
Chu Ngọc Cường