Những năm gần đây, sàn catwalk Việt sôi động hơn nhờ có liên tiếp các sưu tập mới được trình diễn, người mẫu ngày càng đáp ứng tốt các yêu cầu chuyên môn. Hiệu ứng sân khấu cũng góp phần giúp tiết mục trình diễn trở nên lung linh, hoành tráng.
Sự thay đổi này ban đầu mang đến một số hiệu ứng thị giác mới mẻ, nhưng việc lạm dụng, nhiều lúc quá lố, trong các show đã khiến sàn thời trang ngày càng nhốn nháo, thiếu chuyên nghiệp. Năm 2012, trong chương trình Elle Fashion Show, chân dài Thanh Hằng được giao vị trí vedette bộ sưu tập của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường. Màn trình diễn bị phạt khi Thanh Hằng vừa catwalk vừa nhả khói với điếu thuốc điện tử trên tay. Đại diện ban tổ chức lý giải, đó là một ý đồ nghệ thuật, thể hiện tinh thần của bộ sưu tập. Nhà thiết kế cũng chia sẻ, đó là màn trình diễn hiệu quả khi phác họa rõ nét chân dung các quý bà, quý cô ở thập niên 1970 với một chút u uất qua thần thái và trang phục.
Nhiều loài động vật cũng thay nhau hiện diện như một "đạo cụ" đáng yêu trên sàn thời trang. Trương Thị May, Trúc Diễm từng sóng đôi thả bồ câu trong một chương trình thời trang đầu xuân. Thanh Hằng có màn ôm cún lên sàn diễn hay như trong một show của Thời trang và cuộc sống, Minh Triệu để mèo quấn quanh cổ, còn hot girl Kelly lại bế thỏ trắng lên sàn catwalk.
Không dừng lại ở đó, nhiều show diễn thỉnh thoảng còn khiến khán giả giật mình khi giữa không gian thời trang êm dịu và lãng mạn xuất hiện tiếng nẹt ga của môtô. Mới đây, Angela Phương Trinh cũng "dọa" khán giả một phen "hú vía" khi đeo mặt nạ khỉ đột xấu xí trước khi bắt đầu màn... lột áo và nhảy múa với người mẫu nam trên sàn diễn. Một khán giả chia sẻ: "Xem thời trang bây giờ cứ như xem ca nhạc tạp kỹ. Màu của thời trang và nghệ thuật chưa thấy, chỉ thấy toàn màu showbiz". Nhà thiết kế Minh Hạnh bức xúc: "Chỉ ở nước mình người ta mới thích dùng hình ảnh hoặc tai tiếng của các hotgirl để tôn vinh phong cách của nhà thiết kế".
Tất cả đã làm sao nhãng sự chú ý của khán giả đến các thiết kế - tâm điểm của các show thời trang.
Những yếu tố ngoài chuyên môn nhưng kích thích sự tò mò trong thời trang cũng được khai thác tối đa nhằm thu hút truyền thông. Chương trình Đêm hội chân dài 7 với tên gọi Giấc mơ xa hoa được giới thiệu đầy hoa mỹ. Nhưng gây xôn xao hơn cả là hình ảnh nude tập thể của 19 người mẫu in trên thiệp mời. Dù được che chắn bởi hiệu ứng photoshop, bức thiệp vẫn khiến người xem "nhức mắt" bởi cách gợi mở khá mập mờ. Hứa hẹn rất hoành tráng nhưng Đêm hội chân dài vẫn chỉ nổi tiếng nhờ những màn trình diễn nội y nóng bỏng và liên tục bị cho là copy ý tưởng Victoria's Secret.
Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, rất nhiều chương trình thời trang và nhà thiết kế đang mắc phải sai lầm, vì càng nhiều chiêu trò, "phù phép", khán giả càng khó nhận diện đúng chất lượng của bộ sưu tập. "Một fashion show được gọi là thành công khi người ta quên hết những thủ pháp sân khấu và chỉ còn nhớ lại duy nhất về bộ sưu tập mà thôi", Minh Hạnh nói.
Là một trong những người trong cuộc, người mẫu Hà Anh có quan điểm tích cực hơn về "chiêu trò". Cô cho rằng, nên xác định rõ "chiêu trò" phục vụ cho mục đích gì và có giúp bộ sưu tập thăng hoa hơn hay không. "Nếu như chúng giúp tăng thêm tính nghệ thuật và hài hòa với tổng thể màn trình diễn, có đầu tư nghiêm túc về hiệu ứng sân khấu thì nên ủng hộ. Tôi còn nhớ lần trình diễn trong Đẹp Fashion Show. Tôi là vedette và được giao nhiệm vụ khuấy động không khí trong một bộ sưu tập mang tinh thần dance bốc lửa. Tôi đã nhảy rất cuồng nhiệt và khán giả cũng rất phấn khích".
Cô cũng đánh giá, ngành thời trang Việt Nam chưa phát triển, khán giả đi xem các show diễn vẫn có tâm lý thích nhìn người mẫu hơn quần áo, vì thế chiêu trò cũng chỉ là hình thức để thỏa mãn thị hiếu số đông. Nhưng theo nhà thiết kế Minh Hạnh: "Nếu cứ nhìn vấn đề này theo góc độ giải trí, thỏa mãn thị hiếu thì bao giờ ngành thời trang mới phát triển được?"
Trong tình trạng vàng thau lẫn lộn, các sao giải trí dường như đang tranh thủ "gieo trồng" trên mảnh đất thời trang. Trong chương trình Thời trang và Đam mê mới đây, Mỹ Tâm lần đầu ra mắt bộ sưu tập mới. Nhưng ngoài sự xuất hiện của cô trong vai trò người mẫu kiêm nhà thiết kế, những thứ còn lại đều khá nhạt nhòa so với slogan "tạo ra sự khác biệt". Luôn được đánh giá cao về gu ăn mặc nhưng khi "tấn công" sang lĩnh vực thiết kế, Ngọc Trinh vẫn chưa cho thấy sự sáng tạo và nhất quán để tạo nên một bộ sưu tập đúng nghĩa.
Không chỉ lấn sân sang thiết kế, nhiều sao Việt còn hào hứng khoe tài catwalk và được ưu ái giao cho vai trò vedette. Tuy nhiên, không phải ai cũng đảm nhận tốt nhiệm vụ khi "đá chéo sân". Chiều cao khiếm tốn, kinh nghiệm diễn xuất hạn chế khiến vai trò vedette trở thành chiếc áo quá rộng so với họ. Minh Hằng, Thủy Tiên, Bảo Anh đều nhỏ bé trước dàn người người mẫu có chiều cao vượt trội. Thậm chí ngay cả Hoa hậu Thùy Dung cũng từng tỏ ra lúng túng, thậm chí liên tục bị vấp khi trình diễn với những chiếc váy dạ hội quá dài rộng. Mỹ Tâm cũng vài lần "quên bài" khi lần đầu làm người mẫu.
Đồng tình với quan điểm này, nhà thiết kế Tùng Leo nói: "Việt Nam mình quá lạm dụng khái niệm vedette. Hễ cứ diễn cuối, nắm tay nhà thiết kế là thành vedette hết. Tôi thì gọi họ là khách mời, những người làm cho không khí thêm sinh động chứ không phải là người mẫu. Người mẫu không cần đẹp nhưng phải có thần thái, phải làm khán giả dồn hết sự chú ý vào bộ trang phục cô ấy mặc chứ không phải gương mặt cô ấy. Diễn xong mà khán giả chỉ khen cô này đẹp thì coi như người mẫu và nhà thiết kế thất bại". Theo Tùng Leo, Hoàng Thùy là một trong số ít người mẫu đáp ứng được tiêu chuẩn của một vedette đúng nghĩa mà anh ngưỡng mộ.
Vân An - Anh Tuấn