"Hạ tầng cơ sở ở đây xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Với mật độ khai thác dày đặc, hạ tầng này đã dần không đáp ứng vì vậy việc sửa chữa đường hạ cất cánh là cần thiết", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu cho biết trong buổi công bố hoàn thành việc sửa chữa và đưa vào khai thác đường hạ cất cánh 25R/07L - sân bay Tân Sơn Nhất sáng 2/7.
Trên thực tế, cảng hàng không này có 2 đường hạ cất cánh là: 25L/07R và 25R/07L được người Mỹ xây dựng vào năm 1965-1967 phục vụ cho loại máy bay quân sự DC8 và DC10. Đường 25L được cải tạo nâng cấp năm 2002, đường còn lại thì lần cải tạo gần nhất là năm 1992, phục vụ cho tần suất hoạt động 43.000 lần trong 20 năm.
"Qua quá trình khai thác, đường 25R đã bị hư hỏng, tuy không nghiêm trọng nhưng chất lượng khai thác không đáp ứng yêu cầu thực tế. Chất lượng bề mặt mặt đường đã xuất hiện một số vết nứt cùng với hiện tượng nước thấm xuống nền và đọng lại tại những vị trí khe tấm", ông Huỳnh Dương Nghiệp, Trưởng ban quản lý dự án sửa chữa đường 25R nói.
Theo ông Nghiệp, nếu không sửa chữa thì đường cất hạ cánh này sẽ xuống cấp mức độ nặng. Vì vậy, cuối tháng 2, đường này chính thức "đóng cửa" để sửa chữa, dự kiến kéo dài 8 tháng. Tuy nhiên, chỉ sau 4 tháng, công trình hoàn thành với chiều dài đạt 3.048 m, rộng hơn 45m, chịu tải được các loại máy bay lớn như Boeing 747-400, B747-300ER.
Ngoài việc đưa đường cất hạ cánh quan trọng vào khai thác trở lại, cửa ngõ hàng không phía Nam cũng vừa đưa đài kiểm soát không lưu mới vào hoạt động.
Đài kiểm soát không lưu mới có hình khối, diện tích 3.000 m2, có hệ thống rađa hiện đại. Hệ thống mới giúp tối ưu hóa phân cách máy bay trên mặt đất, sử dụng các đường di chuyển hợp lý nhất cho máy bay, giảm thời gian chờ cho các hãng hàng không.
"Trong những năm gần đây, hoạt động bay tại Tân Sơn Nhất tăng trưởng mạnh, với mức tăng trưởng số lần cất hạ cánh lên đến 10% một năm. Vào dịp Tết có thể lên đến 480 lượt cất hạ cánh một ngày đêm. Trong khi đó, đài kiểm soát cũ được xây dựng từ năm 1970, công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ kỹ khó đáp ứng được", đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phân tích.
Với nhu cầu đó, năm 2009, đài kiểm soát không lưu mới được bắt đầu xây dựng, đến 16/6 năm nay bắt đầu đi vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 400 tỷ đồng.
Kiên Cường