Birendra Shrestha, giám đốc Sân bay quốc tế Tribhuwan, nằm ở ngoại ô Kathmandu, cho biết máy bay cỡ lớn bị cấm do đường băng đang bị xuống cấp. Đường băng được xây dựng chỉ cho máy bay tầm trung, không dành cho các máy bay chở hàng hay máy bay quân sự cỡ lớn. Các máy bay nhỏ, tầm trung vẫn được phép hạ cánh.
Tuần trước, rất nhiều máy bay cỡ lớn đã bay tới đây để chở hàng và nhân viên cứu trợ cùng rất nhiều phóng viên. Tuy nhiên, sân bay loại nhỏ này chỉ có chỗ đỗ cho 9 máy bay và một đường băng duy nhất. Ngoài ra, đường băng xuất hiện các vết nứt và gặp nhiều vấn đề khác.
Đây là khó khăn mới nhất trong nỗ lực cứu trợ của cộng động quốc tế đối với những nạn nhân của trận động đất 7,8 Richter ngày 25/ vừa qua, trận động đất lớn nhất và có sức tàn phá mạnh nhất trong 8 thập niên qua ở đất nước nghèo Nepal.
Người dân Nepal ở cả các làng xa xôi và thủ đô Kathmandu phàn nàn vẫn chưa thấy bóng dáng của nhân viên cứu hộ hay cứu trợ quốc tế cũng như tình trạng thiếu lều bạt tạm, trong khi hàng ngàn người vẫn ngủ ngoài trời do lo sợ dư chấn có thể khiến các ngôi nhà bị hư hại trong trận động đất một tuần trước bị sập.
Một tuần sau thảm họa động đất, công tác cứu trợ diễn ra vẫn rất chậm chạp. Ở nhiều nơi, nạn nhân động đất vẫn chưa được tiếp cận.
Giới chức cứu trợ nhân đạo Liên Hợp Quốc hôm qua bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây lan bệnh dịch. Họ cho biết cần phải có thêm trực thăng tới các làng ở vùng núi bị xa xôi, vốn rất khó tiếp cận ngay cả trước khi xảy ra động đất.
Mức độ tàn phá thực sự của trận động đất hiện chưa được rõ do một số vùng hẻo lánh vẫn bị chia cắt. Liên Hợp Quốc cho biết động đất ảnh hưởng tới 8,1 triệu người, hơn một phần tư tổng 28 triệu dân Nepal.
Chính phủ Nepal hôm nay cho biết 7.057 người đã thiệt mạng trong trận động đất. Một quan chức Bộ Nội vụ nước này nói hy vọng tìm người sống sót không còn.
Thùy Trang