Chiều 14/11, trả lời về việc tổng vốn đầu tư sân bay Long Thành chênh lệch so với các sân bay cùng quy mô trên thế giới, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - đơn vị lập báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành) cho biết, cảng hàng không là một công trình phức hợp, nên mục tiêu, quy mô, thời điểm đầu tư, công nghệ, chính sách thuế, phí, dự phòng ở các quốc gia là khác nhau, nên tổng mức đầu tư sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, theo ông Bình, suất đầu tư sân bay Long Thành khoảng 16 tỷ USD là tương đương với sân bay Đại Hưng (Trung Quốc). Sân bay này đã khai thác từ tháng 9/2019 với công suất 72 triệu hành khách một năm, có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD, tức khoảng 16 tỷ USD cho 100 triệu hành khách. Tương tự, sân bay New Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng đã hoạt động, có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD cho công suất 90 triệu hành khách một năm, tức khoảng 14,9 tỷ USD cho công suất 100 triệu hành khách.
Cụ thể hơn, sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đang được Chính phủ trình Quốc hội gồm một nhà ga hành khách, một đường cất hạ cánh công suất 25 triệu hành khách với tổng vốn đầu tư 4,779 tỷ USD. Suất đầu tư này là tương đương các cảng hàng không lớn trên thế giới, như sân bay Frankfurt (Đức) giai đoạn 3 (khởi công tháng 4/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD cho công suất 21 triệu hành khách, tức khoảng 5,3 tỷ USD cho 25 triệu hành khách; sân bay Incheon (Hàn Quốc) giai đoạn 3 khai thác từ tháng 1/2018, có tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD cho công suất 18 triệu hành khách một năm, tức khoảng 5,9 tỷ USD cho 25 triệu hành khách.
Phó tổng giám đốc ACV giải thích thêm, tổng mức đầu tư sân bay Long Thành được tính toán chi tiết dựa trên bản vẽ thiết kế cơ sở, đơn giá vật tư tại địa phương, báo giá của các nhà cung cấp, suất đầu tư của các công trình có tính chất tương tự. Giai đoạn 2 và 3 chưa được triển khai nên phải tính bao gồm khối lượng dự phòng và trượt giá sau nhiều năm nữa.
Thảo luận tại Quốc hội, một số đại biểu đã lo ngại tổng mức đầu tư của sân bay Long Thành là cao so với một số nước trên thế giới. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành tỉnh Lạng Sơn dẫn chứng, sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) khánh thành năm 2019, thiết kế 7 đường băng, công suất 100 triệu hành khách, 4 triệu tấn hàng hoá, vốn đầu tư chỉ 11,5 tỷ USD. Sân bay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỷ USD. Trong khi đó, sân bay Long Thành có 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mà vốn đầu tư là 16 tỷ USD.
Sân bay Long Thành được quy hoạch theo 3 giai đoạn đến năm 2040 bao gồm 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành, giai đoạn một sẽ đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm, nhà ga hành khách 1,2 triệu tấn hàng hóa. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn một là 111.922 tỷ đồng (4,7 tỷ USD), dự kiến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã thuê tư vấn nước ngoài để thẩm tra độc lập dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.