Người biểu tình ở sân bay Hong Kong mang mặt nạ khoét một mắt để ám chỉ việc cảnh sát làm bị thương một phụ nữ tham gia biểu tình. Ảnh: SCMP. |
Mặc dù các cuộc biểu tình đã diễn ra ở sân bay suốt ba ngày qua, nhưng giới chức sân bay cho biết cuộc biểu tình hôm nay gây ra "hỗn loạn lớn".
"Hoạt động hàng không tại Sân bay quốc tế Hong Kong đã bị gián đoạn nghiêm trọng do sự tụ tập của công chúng ở sân bay hôm nay", sân bay ra tuyên bố. "Ngoài các chuyến khởi hành đã hoàn thành thủ tục check-in và các chuyến bay đang hướng tới Hong Kong, tất cả các chuyến bay còn lại của ngày hôm nay bị hủy". Tuyên bố cũng cho biết giao thông tới sân bay "rất tắc nghẽn" và các khu đỗ xe đã kín. "Công chúng được khuyên không nên tới sân bay". Loa sân bay liên tục phát "Tất cả các chuyến bay đã bị hủy, hãy rời sân bay càng sớm càng tốt".
Thông báo đóng cửa sân bay được đưa ra khi hơn 5.000 người biểu tình đổ tới sân bay Hong Kong. "Thông tin tôi nhận được trước khi đến đây là ở nhà ga sân bay có hơn 5.000 người biểu tình", Kong Wing-cheun, người phụ trách truyền thông của cảnh sát Hong Kong cho biết trong cuộc họp báo chiều nay.
Việc đóng cửa bất ngờ một trong những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới diễn ra khi giới chức Trung Quốc bày tỏ tức giận với các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong, cho rằng một số cuộc biểu tình là "khủng bố".
Đụng độ lớn giữa cảnh sát tại ga tàu MTR và người biểu tình đã diễn ra đêm qua, khiến hơn 40 người phải nhập viện, trong đó có một phụ nữ bị trúng đạn ở mắt phải, nhiều khả năng không thể hồi phục. Sự việc làm bùng lên cơn giận dữ của những người biểu tình.
Có mặt tại các ngả đường đổ về sân bay quốc tế Hong Kong, nhiều người biểu tình mang mặt nạ khuyết một bên mắt nhằm phản đối sự việc này.
Andy Chan, 30 tuổi đang ở Hong Kong cùng với 5 thành viên khác trong gia đình. Họ dự kiến sẽ lên chuyến bay của Cathay Pacific khởi hành lúc 4h40 để trở về Bắc Kinh. "Tôi rất khó chịu với quyết định của chính quyền Hong Kong về việc đóng cửa sân bay", Chan, làm việc trong lĩnh vực quang học ở Hong Kong, nói. "Chúng tôi vẫn đang theo dõi tin tức ở Hong Kong, thậm chí từ Bắc Kinh".
Tại sân bay Bắc Kinh, những hành khách có lịch trình đến Hong Kong cũng bị động với tình huống này. Ching, một người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin dự kiến có chuyến bay của Cathay Dragon đến Hong Kong lúc 6h35 phút chiều, nhưng anh được thông báo hủy chuyến khi đang trên đường ra sân bay. Ching cho hay anh không nhận được bất kỳ thông báo nào từ hãng hàng không và không thể liên lạc với nhân viên hãng.
Mọi ngả đường dẫn đến sân bay quốc tế Hong Kong tắc nghẽn do xe chở người biểu tình đi vào khu vực này. Cơ quan quản lý đường sắt cao tốc Hong Kong MTR Corporation thông báo họ cũng tạm ngưng dịch vụ cho các tuyến nối thành phố với sân bay tại ga Hong Kong và ga Cửu Long đến khi có thông báo mới.
Người biểu tình tràn vào sân bay hôm nay. Ảnh: SCMP. |
Từ trưa nay, ban quản lý sân bay Hong Kong buộc phải tăng cường an ninh tại khu vực này, phong tỏa khu vực sảnh khởi hành của Nhà ga số một, chỉ cho phép hành khách có vé được vào sân bay và gia hạn vé máy bay thêm 24 giờ.
Cơ quan quản lý sân bay Hong Kong thông báo sân bay có thể mở cửa trở lại vào 6h ngày 13/8 (5h giờ Hà Nội). Tuy nhiên, hàng khách được khuyến cáo chỉ đến sân bay sau khi có xác nhận chuyến bay của hãng hàng không.
Công ty dữ liệu hàng không VariFlight của Trung Quốc cho biết 190 chuyến bay đã bị ảnh hưởng bởi quyết định đóng cửa, một số máy bay trong số này vẫn được hạ cánh xuống sân bay Hong Kong.
Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi, cho phép nghi phạm có thể dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, không có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí ngày càng dữ dội, dù trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố dự luật "đã chết". Người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình mới trong tháng 8 cho tới khi lãnh đạo Hong Kong đáp ứng yêu cầu rút hoàn toàn dự luật và trưởng đặc khu Carrie Lam phải từ chức.
Mai Lâm (Theo SCMP, AFP)