Bức ảnh chụp ở sân bay Dunedin gần đây gây chú ý với dòng chữ "Thời gian ôm tối đa ba phút, nếu muốn tạm biệt tình cảm hơn, vui lòng sử dụng bãi đỗ xe".
Giám đốc Daniel De Bono của sân bay Dunedin từng nói về chủ đề này hồi cuối tháng 9, cho rằng sân bay như "ổ chứa cảm xúc". Daniel dẫn chứng một nghiên cứu cho thấy cái ôm 20 giây đủ để tạo ra "hormone tình yêu" oxytocin - chất hóa học trong cơ thể đem đến cảm giác gần gũi, kết nối. Do đó, việc mọi người di chuyển nhanh sẽ giúp nhiều người khác được ôm hơn.
Một số người nói giới hạn thời gian ôm là "vô lý". Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đồng tình và cho biết việc dừng lại ở khu vực đưa đón lâu có thể bị phạt tại một số sân bay.
Trước Dunedin, nhiều sân bay cũng có quy định cho việc ôm tạm biệt. Sân bay Nice ở Pháp thiết lập khu "Kiss and Fly" (hôn và bay), dành riêng cho khách đến tiễn người thân và không cần xuống xe. Họ chỉ cần một cái ôm hoặc hôn tạm biệt rồi rời đi nhanh chóng, giảm tải ách tắc, giúp xe lưu thông liên tục. Các khu "Kiss and Fly" cũng có ở nhiều sân bay trên thế giới, một số nơi như sân bay Lisbon tại Bồ Đào Nha miễn phí thời gian dừng lên tới 10 phút.
Tuy nhiên, từ hè năm ngoái, khoảng hơn 30% sân bay lớn ở Anh đã tăng phí "Kiss and Fly". Ví dụ, Southampton tăng phí từ 4 USD lên 7 USD cho 20 phút dừng; Belfast tăng từ 1 USD lên gần 4 USD cho 10 phút dừng. Các sân bay lớn như Heathrow và Gatwick thu hơn 6 USD cho việc đón trả khách gần nhà ga.
Hoài Anh