
Sân bay Svalbard có nguy cơ biến mất. Ảnh: Wikimedia
Một trong những sân bay ở vùng khắc nghiệt nhất thế giới là sân bay Svalbard đang có nguy cơ biến mất. Sân bay Svalbard nằm bên trên lớp đất đóng băng vĩnh cửu dày bên cạnh khu dân cư Longyearbyen trên quần đảo Longyearbyen ở Na Uy. Khi đường băng dài 2.300 m ở Longyearbyen được xây vào đầu thập niên 1970, không ai ngờ nền móng cứng chắc bên dưới sẽ bắt đầu tan chảy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đó là những gì đang xảy ra hiện nay, theo CNN.
Svalbard ghi nhận lượng du khách ngày càng tăng trong vài năm gần đây do mọi người bay tới quần đảo để ngắm cực quang hoặc thám hiểm với hướng dẫn viên. Các hãng hàng không SAS và Norwegian Airlines sắp xếp những chuyến bay thương mại thường xuyên giữa sân bay Svalbard và đất liền Na Uy cách quần đảo khoảng 800 km về phía nam.
Sự tan chảy của đất đóng băng vĩnh cửu trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Svalbard. Đất đóng băng vĩnh cửu, loại đất đông cứng trong ít nhất hai năm, chảy ngày càng nhiều trong vùng. Cư dân ban đầu dựa vào nền móng đóng băng này để xây nhà cửa và các công trình. Hiện nay, nền móng đó đang sụp đổ. Trên hết, sự kém bất ổn trong vùng dẫn tới nguy cơ sạt lở đất và lở tuyết ngày càng lớn. Vào mùa hè, nhà chức trách phải kiểm tra đường băng tỉ mỉ mỗi ngày do đất có thể bị sụt lún bất cứ lúc nào, theo Ragnhild Kommisrud, quản lý sân bay.
Sân bay Svalbard là cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với khoảng 2.500 cư dân trên quần đảo. Họ phụ thuộc vào giao thông hàng không để lấy nhu yếu phẩm. Đi tới quần đảo bằng tàu thủy có thể mất khoảng hai ngày, tùy theo thời tiết. Trong khi tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu trong vùng, Svalbard là nơi diễn ra một số hoạt động khai thác than đá lớn. Những cư dân đầu tiên định cư trên quần đảo tìm cách khai thác các mỏ than đá lớn trong vùng.
Dù Svalbard sử dụng điện từ nhà máy nhiệt điện, quần đảo đang dần thay đổi truyền thống. Sveagruva, một trong những khu mỏ lớn nhất trên đảo đóng cửa vào năm 2020. Năm 2023, nhà máy nhiệt điện Longyearbyen cũng ngừng hoạt động và được thay thế bằng nhà máy diesel với lượng khí thải chứa carbon chỉ bằng gần một nửa. Quần đảo Svalbard hướng tới bắt đầu vận hành nhà máy điện khí sinh học năm 2026, cung cấp điện cho sân bay. Svalbard cũng có một nhà máy điện mặt trời có thể cung cấp điện liên tục trong 4 tháng khi mùa hè tới.
An Khang (Theo Interesting Engineering)