Theo đại diện Samten Hills Dalat, quần thể công trình văn hóa Phật giáo này được tạo tác bằng những thực hành mỹ thuật cổ xưa, từ đôi bàn tay của những họa sư đến từ Nepal - nơi đã sinh ra Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Từng đường nét, họa tiết được thực hiện bởi định lực và sự hợp nhất thân - tâm của các họa sư nghệ nhân. Tất cả họa tiết và hình vẽ mang những ý nghĩa sâu xa, cao quý và huyền bí.
Đến đây, khách tham quan được chiêm ngưỡng những bức họa về thập phương chư Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng... Du khách có thể sẽ vô tình nhận ra sự giống nhau giữa nhiều chi tiết, được tạo tác bởi các họa sư từ Himalaya, với nhiều đường nét mỹ thuật vẽ bởi những nghệ nhân thời Lý từ mười thế kỷ trước.
Các nét họa hoa tuyết liên và kim ngân, hai loài hoa đặc biệt quý hiếm, sinh trưởng, nở hoa trên vùng núi cao Himalaya trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt băng giá, trở thành biểu tượng cho ý chí kiên định của các bậc hành giả.
Không gian văn hóa Phật giáo Drigung Kagyu Samten Ling Việt Nam được Hòa thượng Drubwang Sonam Jorfel Rinpoche - một vị tu sĩ đến từ vùng đất Phật thanh tịnh Ladakh, Ấn Độ - kiến tạo. Kiến trúc này cũng là một trong những nét thu hút các du khách, tín lữ và người yêu mến văn hóa thập phương.
Theo Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, Đại học Quốc gia, dễ dàng nhận thấy trong các nét vẽ của những họa sư từ Himalaya không chỉ có kỹ thuật truyền thừa, mà còn mang theo cả lòng thành kính với Phật pháp trong tâm khảm. Không thể vẽ được như vậy chỉ thuần túy bằng kỹ thuật.
Du khách có thể dễ dàng nhận thấy nét đặc biệt trong hệ thống tượng pháp tại Samten Hills Dalat. Trên tấm bia Minh tịnh tự bi văn lập năm Quang Hựu thứ 6 (1090) nhắc tới việc dựng tượng A Dật Đa thuần kim sắc tướng, gia phu tọa sư tử nghê đài. Tạm dịch như sau: tượng A Dật Đa (tức Di Lặc) thếp vàng rực rỡ, lại đặt tòa sư tử nghê đài. Pho tượng Phật Di Lặc ở Samten Hills Dalat có nhiều điểm tương đồng với mô tả trên văn bia thời Lý.
Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu với sự tư vấn của các nhà khoa học hàng đầu, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam ghi nhận hệ thống biểu tượng Phật giáo tại quần thể Samten Hills Dalat là một trong những công trình độc đáo, giàu giá trị văn hóa và hiếm có tại Việt Nam. Công trình được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam công nhận là "Không gian văn hóa tâm linh dành cho không gian Phật giáo Kim Cương thừa tại Samten Hills Dalat" cho những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Phật giáo Kim Cương thừa tại Việt Nam.
"Việc trao bằng chứng nhận của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho Không gian Phật giáo Kim cương thừa tại Việt Nam có ý nghĩa giới thiệu với cộng đồng trong nước và quốc tế những giá trị kiến trúc - tâm linh của không gian Phật giáo Kim cương. Hoạt động này qua đó khuyến khích mọi người gìn giữ và bảo vệ cho thế hệ mai sau một di sản có giá trị quý báu", ông Trần Văn Mạnh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, chia sẻ.
Một dấu ấn văn hóa khác tại quần thể này là công trình Đại bảo tháp kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek. Đại bảo tháp được làm bằng đồng tinh khiết, dát vàng 24K với trọng lượng 200 tấn, chiều cao 37,22 m, đường kính 16,53 m, đã xác lập kỷ lục thế giới Guinness World Record vào cuối năm 2022.
Thư Kỳ