Chủ nhật, 5/1/2025
Thứ sáu, 9/8/2024, 19:00 (GMT+7)

Samsung S95D - TV OLED có khả năng chống chói

S95D khắc phục nhược điểm cố hữu của công nghệ OLED nhờ độ sáng cao và lớp phủ chống lóa giúp sử dụng tốt ở không gian nhiều ánh sáng tự nhiên.

Trong năm thứ ba bán TV OLED ở Việt Nam, Samsung "mạnh dạn" nâng tầm dòng sản phẩm S95 lên phân khúc nhỉnh hơn khi thêm tùy chọn cỡ lớn 77 inch với giá bán 99,9 triệu đồng, bên cạnh 65 inch tiêu chuẩn. S95D được coi là đối thủ trực tiếp của LG G4 nhưng sản phẩm của LG năm nay chỉ có kích thước 55 và 65 inch phổ thông, bên cạnh một model siêu lớn kén khách là 97 inch.

Mới gia nhập thị trường TV OLED nhưng Samsung sớm gặt hái thành công khi mẫu S95B năm 2022 được đánh giá là TV OLED tốt nhất, theo chuyên trang uy tín Rtings. Sân chơi TV OLED của hai hãng Hàn Quốc vì thế cũng sôi động hơn, nhiều nâng cấp và giá bán tốt hơn trong khoảng hai năm trở lại đây.

Samsung và LG liên tục nâng cấp về độ sáng - nhược điểm cố hữu của dòng TV OLED trước đó. Trong khi G4 mới bán ra có độ sáng cao hàng đầu, S95D của Samsung vừa có độ sáng cao vừa thêm lớp phủ chống lóa.

S95D có thiết kế viền kim loại siêu mỏng thường thấy trên các mẫu cao cấp Neo QLED trước đó. TV có thể đặt trên chân đế, sử dụng ngàm riêng để treo sát tường hoặc tương thích với chuẩn giá treo TV thông thường. Độ mỏng 11,2 mm cùng ngàm thiết kế riêng giúp người dùng hoàn toàn có thể treo trưng bày S95D như một khung tranh trang trí trong phòng khách.

Khác các dòng TV LG G Series cũng có thiết kế siêu mỏng, S95D sử dụng hộp kết nối rời One Connect Box cho phép nối với các thiết bị ngoại vi gọn hơn thay vì phải cắm trực tiếp vào TV.

Cùng gọi chung là TV OLED với khả năng điểm ảnh tự phát sáng nhưng thực tế tấm nền của Samsung và LG vẫn có những sự khác biệt đáng kể. Samsung theo đuổi việc dùng chấm lượng tử (các tinh thể có kích thước nano) thay cho bộ lọc màu và gọi tấm nền là QD-OLED. Trong khi đó, LG là WOLED sử dụng nguồn sáng OLED trắng, kết hợp bộ lọc màu.

Khác biệt này dẫn đến khả năng hiển thị của mỗi TV ở độ sáng cao không giống nhau và khá dễ quan sát bằng mắt thường. Trong đó, QD-OLED thường duy trì được độ rực rỡ của màu sắc khi tăng độ sáng trong khi tông màu của TV OLED LG thường dịu hơn và bớt rực rỡ đáng kể khi tăng độ sáng tối đa (với các dòng LG evo OLED mới).

S95D vẫn giữ những đặc điểm vượt trội của TV OLED về khả năng thể hiện màu đen sâu tuyệt đối, độ tương phản cao và màu sắc bắt mắt. TV hỗ trợ độ phân giải 4K, tần số quét 100 Hz mặc định (tối đa 144 Hz trong chế độ chơi game). So với dòng TV Neo QLED sử dụng đèn nền miniLED, S95D chỉ kém một chút ở khả năng hiển thị các chuyển động nhanh nhưng không dễ để quan sát bằng mắt thường. Ngoài ra, ở chế độ Game, TV tự tăng lên mức độ sáng hơi cao.

TV của Samsung cũng là sản phẩm ứng dụng AI với vi xử lý NQ4 thế hệ hai với 20 mạng mô phỏng thần kinh cho cả việc xử lý hình ảnh và âm thanh. Tác vụ quan trọng nhất của NQ4 vẫn là khả năng điều chỉnh, nâng cấp độ phân giải thường lên 4K. Là TV 4K thông minh nhưng thực tế nhiều người dùng hiện vẫn xem nhiều các nội dung truyền hình, ứng dụng OTT. S95D xử lý tốt và linh hoạt hơn khi tăng độ tương phản, chi tiết, màu sắc tự nhiên so với các thuật toán tăng độ phân giải đơn thuần trước đây.

Ngoài ra, S95D cũng hỗ trợ công nghệ hình ảnh khác như OLED HDR Pro, HDR 10+ nhưng không có Dolby Vision.

TV Samsung chạy trên hệ điều hành Tizen mới với đầy đủ ứng dụng cơ bản, hỗ trợ tìm kiếm bằng giọng nói tiếng Việt qua Bixby. Sản phẩm cũng hưởng lợi nhờ việc hỗ trợ hệ sinh thái SmartThings mạnh hơn so với nền tảng nhà thông minh của LG.

Nhờ cấu hình mạnh, S95D cho thao tác sử dụng mượt mà, ngay cả trong các tình huống sử dụng chế độ đa màn hình. Người dùng có thể vừa xem YouTube vừa xem màn hình phát trực tiếp từ điện thoại (trong hình).

Trong cùng tầm giá, S95D cũng đem đến hệ thống loa 4.2.2 kênh với công suất mạnh nhất tới 70 W tích hợp bên trong. Trong đa số tình huống sử dụng, không gian phòng khách khoảng 30 m2, âm lượng chỉ cần bật mức 18-20 (trên mức 100) là đủ. Với đa số nhu cầu, người dùng chỉ cần bật chế độ AI tự nhận diện cho phép TV điều chỉnh phù hợp khi nghe nhạc, xem phim hoặc chơi game.

Công nghệ Object Tracking Sound+ (OTS+) cho phép âm thanh giả lập chuyển động theo hình ảnh được hỗ trợ bởi AI. Tuy nhiên, chỉ tủy khung cảnh hiển thị, công nghệ này mới thể hiện được rõ ràng sự thay đổi của vùng âm phát ra.

One Connect Box là trang bị đáng tiền trên TV Samsung cao cấp, bao gồm S95D. Toàn bộ dây nguồn, cổng kết nối sẽ được chuyển vào hộp này, cho phép người dùng bố trí không gian gọn gàng hơn thay vì tất cả thiết bị như set-top box, máy chơi game phải cắm thẳng vào TV. Hãng cho hai lựa chọn với dây nối ngắn từ One Connect Box lên TV trong trường hợp người dùng dùng kiểu chân đế hoặc dây dài hơn màu trong suốt giúp treo tường.

Sản phẩm có 4 cổng HDMI, đều là chuẩn 2.1 (hỗ trợ 4K tần số quét tối đa 144 Hz), hỗ trợ eARC và ba cổng USB-A cùng một cổng USB-C mới nhất rất ít TV được trang bị.

Điều khiển thế hệ mới của TV Samsung với thiết kế nhỏ hơn, bo tròn ở các góc cho phép cầm thoải mái. Tính bản địa hóa cũng được đề cao khi ngoài Netflix còn có thêm nút cho dịch vụ Vieton và truy cập nhanh trình duyệt web. Điểm mạnh của điều khiển là khả năng đồng bộ và thay thế được hoàn toàn điều khiển của các hộp đầu thu tín hiệu truyền hình (settop-box). Ngoài ra, model này cũng dễ dàng sạc bằng cổng USB-C và tự sạc nhờ tấm năng lượng mặt trời phía sau.

Samsung S95D có hai kích thước màn hình là 65 và 77 inch giá 62,9 triệu và 99,9 triệu đồng tương ứng. Trong đó, model 65 inch là "át chủ bài" khi cạnh tranh trực tiếp với LG G4 65 inch. Hai model có giá công bố chênh nhau gần 7 triệu đồng nhưng giá mua thực tế tại các siêu thị điện máy tương đương khoảng 60 triệu đồng.

Tuấn Hưng