Ice Universe, người thường xuyên dự đoán chính xác về sản phẩm của Samsung, cho rằng, mật độ điểm ảnh của cảm biến di động hiện nằm trong khoảng 10 megapixel đến gần 100 megapixel. Do đó, các nhà sản xuất muốn vượt qua giới hạn 100 megapixel phải chế tạo cảm biến ảnh trên tiến trình 14 nanomet.
Hơn nữa, công nghệ sản xuất FinFET 14 nanomet giúp thiết bị tiết kiệm 42% lượng điện năng tiêu thụ, cho phép các nhà sản xuất tích hợp cảm biến ảnh độ phân giải cao mà không làm giảm tuổi thọ pin.
FinFET là công nghệ sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến. Khác với kiến trúc dạng phẳng (MOSFET), các bóng bán dẫn hiệu ứng trường (FET) được thiết kế dưới dạng vây (Fin) 3D. Con số 14 nanomet là tiến trình công nghệ, liên quan đến kích thước của mỗi bóng bán dẫn. Mật độ bóng bán dẫn trên bề mặt tấm silicon càng cao thì tốc độ xử lý càng nhanh.
Tại Hội nghị thiết bị điện tử quốc tế IEEE (IEDM) diễn ra tuần trước, Samsung đã đề cập đến việc tối ưu hóa quy trình FinFET 14 nanomet để sản xuất cảm biến ảnh.
Gizmochina nhận định, cảm biến 144 megapixel sẽ thay đổi ngành công nghiệp smartphone nếu sớm được đưa ra thị trường, trở thành một trong những cảm biến ảnh di động đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 megapixel.
Hồi tháng 8/2019, công ty Hàn Quốc cũng hợp tác với Xiaomi để trình làng Isocell Bright HMX độ phân giải 108 megapixel. Ngoài kích cỡ lớn và sử dụng công nghệ Tetracell (tương tự Quad Bayer của Sony), cảm biến này còn hỗ trợ hệ thống Smart ISO tự động điều chỉnh độ nhạy sáng phù hợp điều kiện môi trường. Cảm biến 108 megapixel đã giúp Xiaomi Mi CC9 vượt qua nhiều tên tuổi đình đám khác, như Galaxy Note 10 hay Google Pixel 4 trên bảng xếp hạng DxOMark.
Tuy nhiên, smartphone có thực sự cần cảm biến đến hàng trăm megapixel hay không vẫn là vấn đề tranh cãi của giới công nghệ. Nhiều chuyên gia tin rằng, số "chấm" không phải là yếu tố quyết định chất lượng ảnh chụp bằng smartphone. Thay vào đó, các nhà sản xuất nên đầu tư cho các thành phần khác như ống kính hay thuật toán xử lý hình ảnh.
Việt Anh (theo Gizmochina, Wccftech)