Samsung đang theo đuổi màn hình QLED (công nghệ LED với chấm lượng tử) và cho rằng OLED (diode phát quang hữu cơ) dẫn đầu bởi đối thủ LG không thích hợp với TV. Ở chiều ngược lại, LG tuyên bố OLED mới là hướng đi tiếp theo của ngành nhờ các đặc tính ưu việt.
Theo Samsung, OLED chỉ phù hợp với các thiết bị có vòng đời ngắn, chẳng hạn điện thoại thông minh, do màn hình này bị "burn-in" (lưu hình). TV hay các loại màn khác là thiết bị điển hình cho việc màn hình luôn được bật trong khoảng thời gian dài.
"Lý do OLED TV có hiện tượng lưu hình là do nó làm từ vật liệu hữu cơ", hãng điện tử "khổng lồ" Hàn Quốc cho biết. "TV là một thiết bị gia đình có vòng đời sử dụng lâu dài, bởi vậy độ bền của sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng với hãng trong quá trình phát triển".
TV QLED sử dụng công nghệ chấm lượng tử, bao gồm các tinh thể nano bán dẫn, mà Samsung cho rằng nó giúp cải thiện độ sáng màn hình, tăng tương phản đồng thời nâng hiệu suất năng lượng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa nó và OLED TV mà LG đang quảng bá là QLED TV vẫn cần có đèn nền.
Samsung đã thực hiện một chiến dịch truyền thông "đánh" thẳng vào OLED TV. Tuy nhiên, một quan chức của hãng nói việc so sánh giữa QLED và OLED chỉ nhằm cung cấp cho người dùng thông tin chính xác và không vì mục đích "phỉ báng" một đối thủ nhất định.
Phía ngược lại, LG đã không có phản ứng nào trước chiến dịch truyền thông trên. Hãng nói OLED TV của họ đã đứng đầu danh sách lựa chọn của người dùng tại 11 quốc gia trên thế giới và cho rằng đó là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng cạnh tranh của sản phẩm.