Mức giảm tương đương 33% này cho thấy Note 7 đang khiến Samsung trải qua một trong những giai đoạn tồi tệ nhất lịch sử. Doanh thu ước tính quý III cũng được điều chỉnh xuống 47.000 tỷ won, giảm 2.000 tỷ won (1,78 tỷ USD) so với dự báo trước đó.
Hôm qua, đại gia điện tử Hàn Quốc đã quyết định ngừng vĩnh viễn việc bán và sản xuất Galaxy Note 7, chỉ vài giờ sau khi khuyên khách hàng ngừng dùng tất cả phiên bản của smartphone này. Cổ phiếu của họ hôm qua cũng giảm 8% trên sàn Seoul, khiến vốn hóa mất 17 tỷ USD. Sang hôm nay, đà giảm đã chậm lại, với 0,6%. Dòng điện thoại cao cấp này được tung ra để cạnh tranh với iPhone 7 của Apple. Tuy nhiên, nó lại đang hủy hoại nghiêm trọng danh tiếng của Samsung.
Các nhà phân tích tại Nomura trước đó tính toán Note 7 có thể khiến Samsung mất 9,5 tỷ USD doanh thu và 5,1 tỷ USD lợi nhuận. Tuy nhiên, với vốn hóa 194 tỷ USD và doanh thu hằng năm 179 tỷ USD, Samsung có đủ tiềm lực để gánh khoản lỗ cho một dòng sản phẩm.
"Phần lớn lợi nhuận của Samsung hiện tại đến từ các mảng ngoài smartphone, chủ yếu là mảng linh kiện. Và kể cả trong mảng thiết bị cầm tay, Note cũng không phải cỗ máy sinh lời chính", Newman kết luận.
Giới phân tích nhận xét khai tử Note 7 là động thái cực kỳ đắt đỏ. Tuy nhiên, nếu kéo dài, hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn. "Động thái này có thể hiểu như là 'đau một lần rồi thôi' vậy. Vì nó sẽ cô lập thái độ của mọi người vào một sản phẩm, chứ không lan ra tất cả điện thoại khác của Samsung", Bryan Ma - Phó chủ tịch hãng nghiên cứu IDC nhận xét.
Uy tín của hãng smartphone lớn nhất thế giới đang bị tổn hại. Đầu tháng 9, họ đã phải thu hồi 2,5 triệu Note 7 trên thế giới, chỉ 2 tuần sau khi ra mắt. Samsung khi ấy cho biết lỗi pin đã khiến các điện thoại bốc cháy. Sau đó, họ bắt đầu tung ra các smartphone đã được thay thế, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Giờ đây, họ đang phải cấp tốc hạn chế thiệt hại từ một trong những vụ thu hồi smartphone lớn nhất từ trước đến nay. Ưu tiên hàng đầu sẽ là tìm ra chính xác sai sót nằm ở đâu. Ban đầu, họ cho biết vấn đề nằm ở pin của một nhà cung cấp. Nhưng giới chuyên gia thì cho rằng lỗi thiết kế có thể mới là nguyên nhân.
"Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy vấn đề không nằm ở sản phẩm, mà có thể là ở thiết kế", TuanAnh Nguyen - nhà phân tích tại Canalys cho biết. Mark Newman tại Bernstein cũng không cảm thấy thuyết phục với lời giải thích về chất lượng pin. "Có vẻ là do một cái khác đấy", ông nói.
Sau đó, một khi đã tìm ra nguyên nhân, Samsung cần thành thật với khách hàng. Nếu không, thất bại của Note 7 có thể ảnh hưởng đến doanh số tất cả sản phẩm khác của họ. "Người dùng đang sợ tất cả đồ của Samsung. Samsung nói họ đã sửa lỗi, nhưng vấn đề vẫn xảy ra", Ma cho biết.
Nếu tâm lý này không được thay đổi nhanh chóng, việc ra mắt thế hệ kế tiếp của dòng Galaxy S - dự kiến đầu năm tới - sẽ thất bại. "Sự thành thật và minh bạch là điều cần thiết để sửa chữa hình ảnh của họ lúc này. Không làm được như vậy, tất cả sản phẩm khác sẽ phải gánh hậu quả", ông nhấn mạnh. Ma cũng dự báo Samsung có thể sẽ phải bỏ hẳn dòng Note.
Hãng này cũng thông báo khách hàng tại Hàn Quốc có thể đổi Note 7 lấy một smartphone khác. Chương trình này sẽ kéo dài đến hết năm. Họ chưa công bố chính sách đền bù hay đổi trả của hãng với các nước khác. Giới phân tích ước tính khoảng 2 triệu Note 7 vẫn đang được dùng trên toàn cầu.
Hà Thu (theo CNN/Bloomberg)