Samsung gia nhập thị trường vòng đeo tay thông minh vào đầu năm 2014 với mẫu Gear Fit được đánh giá tốt về cả màn hình, tính năng đi kèm. Tuy nhiên, sức bán không như kỳ vọng bởi giá cao và đây cũng là dòng sản phẩm còn mới với người dùng. Sau 5 năm, khi quyết tâm trở lại phân khúc này, Samsung cho thấy hãng đã lắng nghe người dùng hơn khi trình làng bộ đôi Galaxy Fit và Fit e với mức giá tốt, kiểu dáng nhỏ gọn tối đa - những đặc tính đã khiến vòng đeo tay sức khỏe đang rất được ưa chuộng.
Không giống như Gear Fit 2 năm 2016 và Gear Fit 2 Pro ra mắt năm 2017 hướng đến những người dùng chuyên nghiệp với GPS tích hợp. Bộ đôi mới của Samsung tiếp cận người dùng phổ thông với mong muốn tập thể dục thường xuyên rèn luyện sức khỏe. Đây được coi là sản phẩm hợp thời bởi phong trào tập thể thao, đặc biệt là chạy đang phát triển mạnh trên thế giới và Việt Nam. Galaxy Fit có thể coi là đối thủ đáng gờm với Fitbit Inspire HR - một sản phẩm cũng mới ra mắt đầu năm nay với mức giá khoảng 100 USD (tương đương 2,3 triệu đồng).
Chỉ tích hợp tính năng cơ bản đã khiến Galaxy Fit có kiểu dáng nhỏ gọn nhất trong số các thiết bị đeo thông minh của Samsung. Với cân nặng chỉ 24 gram (nặng hơn một chút so với Mi Band 4 của Xiaomi là 22 gram), đôi lúc người dùng sẽ quên đi việc đang đeo sản phẩm trên tay. Model giá rẻ hơn là Fit e thậm chí chỉ nặng 15 gram. Dây đeo đi kèm cũng bằng cao su nhưng có độ nhám cao hơn và hơi cứng hơn một chút so với vòng đeo của Xiaomi. Thiết kế này có ưu điểm khi ra mồ hôi ít bị cảm giác dính khó chịu hơn. Việc đeo Galaxy Fit để theo dõi sức khỏe và giấc ngủ đều dễ dàng, không gây cảm giác vướng, khó chịu với người dùng.
Trên Galaxy Fit chỉ có một nút vật lý ở bên và cảm biến nhịp tim bên dưới không bị nhô ra mặt dưới quá nhiều nên không tạo cảm giác cấn lên cổ tay. Model giá rẻ hơn là Fit e không có phím bấm nhưng thiết kế gần tương tự "đàn anh". Ưu điểm của vòng đeo tay thông minh từ Samsung so với Mi Band 4 là dock sạc có thể gắn lên thiết bị mà không cần tháo dây. Với Fit, người dùng có thể sạc không dây trong khi Fit e dùng chân sạc tiếp xúc nhưng thao tác gắn vào dock sạc đều rất nhanh và tiện lợi.
Tuy nhiên, điểm đáng tiếc là Galaxy Fit không thể tận dụng tính năng sạc người không dây Qi của Galaxy S10+ như Galaxy Watch Active bởi thiết bị sạc với dock qua công nghệ NFC.
Galaxy Fit có màn hình màu AMOLED 0,95 inch có thể coi là thiết bị có màn hình đẹp nhất trong phân khúc. Khả năng hiển thị của màn hình này ngoài trời cũng rất tốt nhưng việc không tích hợp cảm biến ánh sáng khiến người dùng sẽ phải điều chỉnh độ sáng bằng tay. Trong khi đó, model rẻ hơn là Fit e có màn hình nhỏ hơn 0,74 inch PMOLED chỉ hiển thị đen trắng nhưng có ưu điểm nhìn tốt nhất khi ngoài trời.
Tương tự các vòng đeo tay thông minh khác, Fit và Fit e đều có thể đo các thông số như bước chân, quãng đường di chuyển, lượng calo tiêu thụ, số bậc thang đã đi, thời gian hoạt động trong ngày, thời gian nghỉ và theo dõi nhịp tim liên tục, dự đoán cơ thể đang bị căng thẳng và chất lượng giấc ngủ.
Trên thực tế, do thiếu một số cảm biến chuyện dụng, Fit và Fit e thường đo số bước chân bị thừa ra một chút so với thực tế. Đây cũng là điều thường thấy ở các vòng đeo tay sức khỏe tầm giá dưới hai triệu đồng.
Trong một ngày không hoạt động, khi sử dụng chiếc Amazfit Stratos chuyên dụng hơn với giá khoảng hơn 4 triệu đồng, số bước chân đo được là khoảng 3.200 bước thì với Fit là gần 3.500 bước. Trong thử nghiệm chạy trên quãng đường 5 km (theo bản tổ chức công bố) tại giải VnExpress Marathon Quy Nhơn 2019, chiếc Stratos có GPS đo được quãng đường di chuyển thực tế là 5,1 km trong khi Fit do chỉ dựa vào bước chân và dự đoán nên con số bị lệch lên là 5,45 km. Tuy nhiên, sai số này ở mức chấp nhận được so với người dùng phổ thông muốn theo dõi hàng ngày. Đây cũng là mức sai số thấp khi so sánh thử với Mi Band 3 và Huawei Talkband B5.
Ưu điểm của Galaxy Fit so với các đối thủ cùng giá là phần mềm Samsung Health cài trên điện thoại có nhiều tính năng phân tích hơn. Với vòng đeo sức khỏe thông thường, người dùng chỉ có chưa đầy 10 lựa chọn về tập thể thao nhưng nhờ Samsung Health là tới 90 loại vận động khác nhau.
Một điểm Galaxy Fit chưa làm tốt là việc đo nhịp tim liên tục. Sử dụng cảm biến quang học tiện lợi nhưng độ chính xác không cao khi so sánh với các đồng hồ chuyên dụng hơn. Trong thử nghiệm so sánh với Forerunner 245, thiết bị của Samsung đo nhịp tim thường ở dưới mức 130 bpm trong khi sản phẩm của Garmin ghi nhận lên tới 186 bpm. Mức của Garmin cho độ tin cậy cao hơn bởi khi hoạt động, ngưỡng nhịp tim của sản phẩm thường ở mức cao trên 150.
Dù vậy, khả năng theo dõi giấc ngủ của Galaxy Fit rất ấn tượng. Kết hợp với Samsung Health, biểu đồ rất chi tiết bao gồm cả thời gian ngủ, thời gian ngủ sâu, thời gian ngủ không sâu, thời gian bị thức dậy. Biểu đồ này gần tương đương với Garmin và Amazfit khi đeo ở tay còn lại.
Các tính năng thông minh khác của Galaxy Fit cũng giống như đối thủ Mi Band như nhận thông báo từ bất kỳ ứng dụng nào trên điện thoại và có thể trả lời với các mẫu đã cài đặt trước. Điểm hơn từ sản phẩm của Samsung là có thêm cài đặt tự tắt thông báo khi người dùng đang sử dụng điện thoại. Ngoài ra, thiết bị cũng có thể hiển thị thông tin thời tiết, hẹn giờ, báo thức, đặt lịch hẹn, nhắc người dùng đã ngồi quá lâu hay tìm điện thoại...
Trong thử nghiệm sử dụng Galaxy Fit hàng ngày, theo dõi giấc ngủ và chạy khoảng 3 km hai lần một tuần, thiết bị có thể sử dụng sang ngày thứ 6 và sạc pin vào cuối ngày. Đây có thể coi là mức pin tốt với một vòng đeo sức khỏe. Các thiết bị dạng này nếu không tập thể thao, chủ yếu xem thông báo, pin có thể lên đến gần 20 ngày.
Ngoài ra, việc dock sạc riêng biệt cũng là điểm cộng lớn so với các đối thủ như Mi Band 4 hay Fitbit Inspire HR.
Phiên bản Galaxy Fit e có giá rẻ hơn là 990.000 đồng trong khi Galaxy Fit cao cấp hơn khi có thêm màn hình màu, kích thước lớn, cảm biến con quay hồi chuyển giá 2,45 triệu đồng.
Ưu điểm:
- Màn hình hiển thị đẹp
- Thiết kế nhỏ gọn, đeo thoải mái
- Thời lượng pin rất tốt
- Phần mềm kết nối trực quan, dễ sử dụng
Nhược điểm:
- Không có GPS
- Khả năng đo nhịp tim chưa tốt