Nguồn tin này cho biết, đơn vị sản xuất màn hình Samsung Display có dự án mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh trong nửa cuối năm nay, mục tiêu đưa vào hoạt động toàn bộ vào cuối năm hoặc chậm nhất là đầu năm sau. Các chuyên gia cho rằng một khi Samsung hoàn thành mở rộng nhà máy này, công ty sẽ có thể sản xuất 10 triệu chiếc Z Fold và 15 triệu chiếc Z Flip mỗi năm.
Quyết định mở rộng nhà máy của Samsung chủ yếu do nhu cầu thị trường tăng cao. Smartphone mẫu gập lại thế hệ thứ ba của hãng ghi nhận 920.000 đơn hàng đặt trước tại Hàn Quốc, gấp 1,8 lần so với mẫu trước đó Galaxy S21. Số lượng đặt trước cho bộ đôi Z Fold và Z Flip ở Trung Quốc thậm chí còn cao hơn với trên 1 triệu đơn. Các nguồn tin cho biết số lượng đơn hàng đặt trước ở Mỹ cũng vượt qua mẫu "đàn anh" trước đó.
"Các nhà máy sản xuất thiết bị màn hình gập của Samsung đã hoạt động hết công suất. Công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc mở rộng các cơ sở của mình", nguồn tin thân cận cho biết doanh nghiệp Hàn Quốc có thể sẽ bổ sung thêm ba dây sản xuất nữa bên cạnh bảy dây chuyền hiện tại, điều này sẽ cho phép công ty quản lý khối lượng sản xuất linh hoạt hơn.
Đến thế hệ thứ ba, Samsung mới thành công trong việc sản xuất smartphone màn hình gập. Điện thoại màn hình gập đầu tiên của hãng, Galaxy Fold, ra mắt vào năm 2019 chỉ bán được 500.000 chiếc trên toàn cầu. Năm ngoái, công ty đã tung ra thế hệ thứ hai, Galaxy Z Fold 2 và Galaxy Z Flip, cũng đã bán được khoảng 1,5 triệu chiếc trên thế giới. Trong khi đó, chỉ với hai tháng qua, Samsung đã sản xuất hơn 3 triệu chiếc Galaxy Z Fold 3 và Z Flip 3 để đáp ứng nhu cầu tăng cao, bằng cách vận hành các nhà máy hết công suất 1,5 triệu chiếc mỗi tháng.
Công ty nghiên cứu thị trường Display Supply Chain Consultants (DSCC) đưa ra dự báo vào tháng 6 rằng, ngành công nghiệp màn hình sẽ sản xuất 8,9 triệu màn hình có thể gập lại trong năm nay. Sang tháng 8, DSCC tăng mạnh dự báo của mình lên 10,4 triệu đơn vị do nhu cầu ngày càng cao đối với các thiết bị Samsung. Con số dự báo của công ty cho năm 2022 là 16,4 triệu chiếc.
"Samsung sẽ dẫn đầu ngành công nghiệp smartphone, khi các mẫu điện thoại có thể gập lại mới trở nên quen thuộc và phổ biến hơn với người tiêu dùng toàn cầu", Kim Ji San, trưởng nhóm nghiên cứu của Kiwoom Securities cho biết.
Tại Việt Nam, Samsung có 6 nhà máy và đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển. Samsung đã đầu tư hơn 17,7 tỷ USD vào Việt Nam và hiện có 110.000 cán bộ, nhân viên với kim ngạch xuất khẩu trị giá hơn 56 tỷ USD năm 2020.
Trong bối cảnh dịch bệnh, từ tháng 1 tới tháng 7 vừa qua, Samsung vẫn đạt mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Đại diện Samsung Việt Nam cho biết, nếu nhà máy tại TP HCM trở lại hoạt động bình thường trong thời gian tới, doanh nghiệp này có thể vượt mục tiêu xuất khẩu của năm nay.
Dự kiến cuối năm 2022, Samsung sẽ khánh thành trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam. Dự kiến, khoảng 3.000 kỹ sư người Việt Nam làm việc tại đây.
Tất Đạt