Galaxy Note 3 đã thay đổi quan niệm về điện thoại và máy tính cá nhân, thể hiện rõ quan niệm "tích hợp kết nối" mà hãng công nghệ Hàn Quốc hướng đến. Đây được xem như sản phẩm dẫn đầu trong sáng tạo công nghệ của Samsung, thể hiện hướng đi của thương hiệu này trong việc ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Từ đó, người dùng có thể sử dụng công nghệ để tự do thể hiện bản thân trong mọi việc, khiến cuộc sống trở nên đơn giản, thú vị và hiệu quả hơn.
Dự báo xu thế smartphone chắc chắn sẽ trở thành sản phẩm phổ thông cũng như trường hợp của máy tính cá nhân vào những năm 90, năm 2009 Samsung đã chú trọng vào Android. Tuy không thành công với những mẫu điện thoại Android đầu tiên nhưng hiện nay dòng smartphone Galaxy S đang bán được nhiều hơn cả iPhone của Apple. Theo Business Week, ngoài Apple thì chỉ có Samsung mới khiến khách hàng phải xếp hàng dài quanh các tòa nhà để được tận mắt thấy sản phẩm mới như sự kiện ra mắt Galaxy S4 tại thành phố New York vào ngày 14/3 vừa qua.
30 triệu chiếc Galaxy S3 đã được bán trong vòng 5 tháng trong khi có 40 triệu chiếc Galaxy S4 được tiêu thụ trong 4 tháng. Theo số liệu thống kê của AppBrain trên toàn cầu, năm 2012, trong top 10 điện thoại Android bán chạy nhất, có đến 7 sản phẩm Samsung. Trong đó, 5 vị trí đầu tiên đều thuộc dòng Samsung Galaxy lần lượt là Galaxy S II, Galaxy S III, Galaxy S, Galaxy Note và Galaxy Y. Không những chiếm lĩnh thị trường smartphone cao cấp, hãng còn dẫn đầu cả thị trường smartphone phổ thông và từ đó vươn lên vị trí số một trong lĩnh vực điện thoại di động nói chung.
Trước đây, Samsung từng có nhiều quyết định chiến lược gây tranh cãi ngay tại thời điểm bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, những quyết định này lại mang tính bước ngoặt, sau này mang lại rất nhiều lợi nhuận cho công ty. Từ những năm 90 đến nay, tốc độ tung sản phẩm mới đã được Samsung đẩy mạnh. Từ một khái niệm trên bản vẽ có thể được đội ngũ kỹ sư hiện thực thành hàng hóa trong vòng 5 tháng, làm mới dòng sản phẩm nhanh gấp đôi bình thường.
Cựu Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Samsung Yun Jong-Yong gọi đây là "Lý thuyết Sashimi". Dù có đắt đến đâu, sashimi chỉ ngon nhất khi còn tươi, để một ngày thì món ăn trở nên kém ngon, rẻ tiền. Nếu để thêm một ngày nữa thì đành vứt bỏ. "Trong thời kỳ điện toán, những hãng đi sau rất khó đuổi kịp. Giờ sang kỷ nguyên số, tốc độ sẽ quyết định tất cả và hàng tồn kho cũng như sashimi để lâu, luôn có hại", ông Yun giải thích.
Hiện nay trung bình 2 tuần Samsung lại tung ra một mẫu điện thoại mới tại thị trường Mỹ với các tính năng ngày càng cải tiến. Chu kỳ sản phẩm cũng được rút ngắn từ hơn một năm xuống chỉ còn dưới nửa năm, giá thành sản phẩm ngày càng cạnh tranh hơn và nhân công luôn được khích lệ để duy trì tiến độ.
Nhiều công ty hàng đầu chỉ tập trung vào một loại sản phẩm nhất định nhưng Samsung lại nghiên cứu phát triển nhiều loại sản phẩm và sự đa dạng hóa này đã làm nên khác biệt. Sản phẩm của hãng đủ mọi lĩnh vực từ TV, điện thoại di động đến máy photocopy, máy ảnh, tủ lạnh, máy giặt. Điều này giúp công ty không lệ thuộc vào một sản phẩm chủ lực cố định. Đồng thời, lợi nhuận từ lĩnh vực này cũng được xoay vòng đầu tư sang lĩnh vực khác.
Sự đa dạng còn nằm ở việc Samsung không chỉ cung cấp các sản phẩm số hoàn thiện cho người dùng mà còn tập trung vào sản xuất linh kiện. Lee Keon Hyok, Giám đốc Truyền thông toàn cầu của Samsung, từng nhận xét: "Kiểu dáng có thể thay đổi nhưng điện thoại sẽ vẫn cần màn hình AMOLED, bộ nhớ và bộ vi xử lý. Chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp những linh kiện đó". Công ty hiện là nhà cung cấp bộ nhớ flash và chip RAM hàng đầu thế giới, hơn nửa số lượng chip nhớ của Samsung được sản xuất theo đơn đặt hàng đặc biệt của Dell, Microsoft và Nokia.
Ngay từ thời kỳ khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, Samsung đã "ngược dòng" cắt giảm chi tiêu mà đầu tư vào R&D rất cao bởi các lãnh đạo tập đoàn tin rằng đầu tư trong giai đoạn suy thoái sẽ mang lại lợi nhuận vượt mức trong giai đoạn thịnh vượng, đón đầu được xu hướng tương lai. Năm 2012, Samsung chi đến 10,8 tỷ USD cho R&D và có đến 67.000 nhân viên tham gia vào công tác này, chiếm 25% tổng số nhân viên của Samsung.
Những đầu tư của Samsung luôn được đặt đúng chỗ, khiến lợi nhuận kinh doanh trong các ngành hàng luôn đạt kết quả tốt. Mới đây nhất, công ty đã đạt mức lợi nhuận ròng kỷ lục trong quý III với 8.240 tỷ Won (tương đương 7,77 tỷ USD) trong tổng doanh thu 59.080 tỷ Won (tương đương 55,7 tỷ USD). Theo báo cáo của Interbrand năm 2013, Samsung cũng đã vươn lên đứng hạng 8, soán ngôi của Intel, với giá trị thương hiệu 39,6 tỷ USD.
Minh Trí