Cụ thể, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ chủ trì lựa chọn một số dự án tiềm năng và những dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài đến 2020 để giới thiệu cho Samsung nghiên cứu, triển khai. Trong đó, phía Việt Nam đề xuất tập đoàn này đầu tư hoặc tham gia tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp tàu thủy, thông qua hợp tác với Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Việc kêu gọi hợp tác diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp chủ lực của ngành đóng tàu vừa bước sang trang mới của quá trình tái cơ cấu, sau khi mô hình tập đoàn bị xóa sổ vào tháng 10/2013. Hiện mối quan tâm lớn của SBIC là khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm có nguồn tiền thanh toán khoản nợ trên 600 triệu USD vừa được các tổ chức quốc tế gia hạn đến năm 2025. Trước mắt, Tổng công ty này đang tìm kiếm đối tác để bán tàu.
"Có nhiều đối tác quan tâm và một số chủ tàu đã đeo đuổi. Chúng tôi đã thương thảo trong thời gian dài", ông Vũ Anh Tuấn - Tổng giám đốc SBIC trao đổi với báo chí trước thềm Triển lãm Công nghệ đóng tàu diễn ra cuối tháng 2 tại Hà Nội.
Trong khi đó, phía Samsung cũng đang theo dõi ngành đóng tàu Việt Nam, thể hiện qua chuyến công tác của ông Cheolhwa Jung, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp nặng Samsung (Samsung Heavy Industry) hồi tháng 10 năm ngoái. Mục đích chuyến đi này nhằm tìm kiếm đối tác tại Việt Nam để chuẩn bị cho làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc năm 2014.
Hiện Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu trong ngành công nghiệp đóng tàu châu Á và thế giới. Theo Economist, 7 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị các đơn hàng đóng tàu của Hàn Quốc đã cao hơn gần 80% so với Trung Quốc. Đây được coi là ngành xuất khẩu mũi nhọn tại quốc gia này.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng gợi ý cho Samsung tham gia đầu tư vào dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), sân bay quốc tế Long Thành, các dự án về công nghệ thông tin, chính phủ điện tử. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng sẽ làm việc với tập đoàn về khả năng tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc đầu tư.
Trước đó, nhân chuyến thăm của Phó chủ tịch Samsung - Jung Yeon Joo đến Việt Nam cuối năm 2013, Samsung C&T, công ty thành viên của tập đoàn đã ký văn bản ghi nhớ với Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Theo đó, đơn vị này sẽ tham gia phát triển các dự án, từ xây dựng các nhà máy điện, sân bay, đóng tàu đến các dự án cơ sở hạ tầng viễn thông.
Trao đổi với VnExpress.net mới đây, ông Ngô Đình Vân, Phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cho biết phía Samsung đã xin đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện 2.400 MW trên địa bàn. Hiện tập đoàn này đang hoàn tất các bước để xin giấy chứng nhận đầu tư. Song, ông không tiết lộ tổng vốn Samsung sẽ chi cho dự án này.
Hiện Samsung là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với hai dự án nhà máy sản xuất linh kiện, điện thoại di động tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, tổng vốn đã đăng ký lên tới 4,5 tỷ USD.
Phương Linh