Nhà phát triển GaryeonHan, với 5.000 người theo dõi trên Twitter, phát hiện GOS (Game Optimizing Service) đặt giới hạn hiệu suất trên hơn 10.000 ứng dụng, trong đó có các phần mềm nhiều người dùng như Strava, Instagram, Netflix, TikTok, Microsoft Office, LinkedIn, Zoom hay thậm chí là các ứng dụng của Samsung như Samsung Pay, Secure Folder. Theo người này, GOS áp đặt giới hạn hiệu suất ngay cả khi không được yêu cầu, như khi nhiệt độ của thiết bị nằm trong phạm vi hợp lý.
Theo ghi nhận của Maeil Business Newspaper (Hàn Quốc), vấn đề về GOS cũng bị phàn nàn nhiều trên mạng xã hội. Diễn đàn hỗ trợ người dùng Samsung tại Hàn Quốc cũng xuất hiện các bài viết cho rằng smartphone của họ dường như bị giảm hiệu suất khi dùng các ứng dụng mà không rõ lý do.
Một số người dùng phát hiện GOS không liệt kê các nền tảng đo điểm như Geekbench và 3DMark vào danh sách ứng dụng bị giảm hiệu năng. YouTuber Hàn Quốc Square Dream thử đổi tên phần mềm 3DMark thành tên game Genshin Impact trên Galaxy S22 Ultra. Ứng dụng bị đổi tên sau đó cũng bị bóp hiệu năng so với ban đầu.
Hiện tại, chưa rõ những smartphone nào của Samsung được trang bị GOS. Android Authority không tìm thấy phần mềm trên Galaxy S22, S20 FE hay S10E nhưng có trên Galaxy S21 Plus. Còn 9to5google cho biết phần mềm được cài đặt trên Galaxy S22 Plus. Android Police tiến hành "mổ xẻ" GOS trên Galaxy S22 và nhận thấy hệ thống "cực kỳ tinh vi, cân bằng nhiều thông số như nhiệt độ, mức pin dự kiến, tốc độ CPU và tốc độ khung hình". Các thông số điều chỉnh tuỳ từng mốc thời gian, nhưng nhìn chung hiệu suất sẽ không bằng so với khi GOS bị tắt.
Trong thông báo ngày 4/3, Samsung cho biết đã ghi nhận vấn đề và sẽ sớm triển khai bản cập nhật phần mềm cho người dùng bị ảnh hưởng. Người dùng sẽ được cung cấp tuỳ chọn kích hoạt GOS hoặc vô hiệu hoá tính năng này.
GOS giúp tối ưu hóa hiệu suất hệ thống khi chơi game trên điện thoại Samsung. Khi được bật, tính năng nhận diện ứng dụng là game để tự động hạ độ phân giải màn hình, điều chỉnh số khung hình trên mỗi giây, cân bằng hiệu suất GPU để tránh thiết bị quá nóng và "ngốn" pin. Dù vậy, sự cố lần này cho thấy GOS đã liệt kê cả các ứng dụng không phải game vào danh sách hạn chế. Theo PhoneArena, hành động này sẽ khiến người dùng khó chịu do không tận dụng hết được sức mạnh của ứng dụng. Đối với loạt Galaxy S22 mới nhất, GOS có thể cản trở khiến chip Exynos 2200 và Snapdragon 8 Gen 1 không phát huy tối đa khả năng xử lý.
Năm ngoái, OnePlus cũng bị tố hạn chế một số ứng dụng trên smartphone của mình bằng cách loại các phần mềm phổ biến như Chrome và Twitter khỏi lõi xử lý hiệu suất cao. OnePlus sau đó xác nhận nhưng nói rằng muốn tối ưu pin và giảm nhiệt cho thiết bị.
Apple cũng dính bê bối giảm hiệu năng iPhone. Cuối 2017, công ty thừa nhận cố tình làm giảm hiệu năng máy qua các bản cập iOS nhật để giữ iPhone an toàn, tránh bị tắt đột ngột do pin chai. Hãng giải thích muốn "đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng, bao gồm hiệu suất tổng thể và kéo dài tuổi thọ của thiết bị". Dù vậy, Apple vẫn bị chỉ trích, kéo theo các vụ kiện từ cá nhân cho tới tập thể.
Như Phúc