Giới du học Trung Quốc tại Đại học Iowa bắt đầu vào đại lý xe hơi Carousel Motors ở thành phố Iowa từ cách đây 3 năm để tậu những chiếc xe sang Mercedes, Audi. Rốt cuộc, Pat Lind, giám đốc điều hành của Carousel phải thắc mắc liệu các cô cậu sinh viên này có chọn đại lý của anh ấy là điểm đến đầu tiên khi mua xe không?
Câu trả lời nhận được là không! Ở Trung Quốc, họ được yêu cầu khi đến Mỹ sẽ mua xe tại Chicago trước khi vào trường đại học. Vì thế Lind bắt đầu tài trợ cho Hội sinh viên Trung Quốc ở trường đại học, đổi lại họ sẽ cung cấp cho anh danh sách sinh viên và thu nhập khi đến Mỹ.
Nhờ đó, doanh số bán cho sinh viên Trung Quốc tăng gấp đôi, đến nay chiếm khoảng 5% lượng xe bán ra của đại lý, nơi chỉ cách khoảng 3-4 km từ trường học.
"Từ người bán xe, chúng tôi dường như trở thành một nhà quảng cáo chuyên nghiệp, hình ảnh Carousel Motors sẵn sàng xuất hiện trước mắt những sinh viên Trung Quốc tiềm năng", Pat Lind cho biết.
Kinh tế phát triển nóng khiến lượng gia đình "giàu sổi" ở Trung Quốc tăng chóng mặt. Năm học vừa rồi, số sinh viên Trung Quốc tại Mỹ là 235.597, tăng gấp 3 lần so với con số 64.757 vào năm học 2002-2003, số liệu mà Viện giáo dục quốc tế cung cấp cho Businessweek.
Giải thích việc mua sắm xe tại Mỹ của sinh viên Trung Quốc, Sid Krommenhoek, người sáng lập hãng tư vấn kinh doanh Zinch cho biết, những sinh viên này sẵn sàng bỏ ra 50.000 USD để mua một chiếc xe cao cấp mà không tiếc tay bởi lẽ nếu mua ở Trung Quốc một chiếc xe cùng loại thì mức giá có thể gấp đôi, gấp ba bởi hàng rào thuế quan lớn.
Zinch khảo sát 25.000 sinh viên Trung Quốc và kết quả là có tới 62 % người được hỏi trả lời có thể chi trả tối thiểu là 40.000 USD cho mỗi năm học tập tại Mỹ. Từ 2012 đến tháng 10/2013, học sinh và sinh viên Trung Quốc tiêu tốn khoảng 15,5 triệu USD cho việc mua sắm xe cộ cả mới lẫn cũ ở Mỹ, trong khi đó nhóm tương tự người bản địa thì chỉ dùng số tiền 4,7 triệu USD.
Xe hơi đang trở thành phương tiện chứng tỏ mức thu nhập của người Trung Quốc. Sở hữu xe hơi không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là phương tiện kiếm tiến, công việc hay cưới vợ. Thị trường nội địa Trung Quốc với mức tăng trưởng cao là mảnh đất màu mỡ cho mọi hãng xe trên thế giới. Audi hiện vẫn là thương hiệu xe sang hàng đầu ở đây, 9 tháng năm 2013 bán ra 366.038 chiếc, trong khi con số này ở Mỹ là 114.411 chiếc.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường CNW, hơn một nửa số xe mà sinh viên Trung Quốc mua tại Mỹ là xe mới, mức giá trung bình là 52.796 USD, 32 % sinh viên mua xe trả bằng tiền mặt. Với xe cũ, con số tương tự là 36.500 USD và 58 %. So sánh với sinh viên Mỹ thì 40 % mua xe mới, không đến 5 % trả bằng tiền mặt.
Không chỉ có trường hợp của Pat Lind với Carousel Motors mà ở khắp các đại lý gần trường học khác trên nước Mỹ cũng xảy ra trường hợp tương tự. Một nhân viên bán xe biết nói tiếng Trung Quốc thì thu nhập hàng năm của anh ta có 10 % là từ sinh viên Trung Quốc.
Trong giới sinh viên quốc tế du học tại Mỹ tồn tại Câu lạc bộ ôtô với khoảng 30 thành viên, hầu hết là người Trung Quốc, trong đó một người đi Lamborghini, còn lại phần lớn chạy BMW. Các thành viên thường xuyên tụ tập tổ chức tiệc tùng, khoe xe và trao đổi những kinh nghiệm độ xe thế nào cho đẹp.
Đức Huy