Sáng 27/2, ông Mai Xuân Liêm, Bí thư Thành ủy TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho hay, trước luồng ý kiến trái chiều về việc thành phố dâng bánh giầy 3 tấn lên đền Hùng, thành phố đã họp ban lãnh đạo và thống nhất sẽ không làm bánh giầy nữa.
"Thành phố sẽ không dâng bánh giầy lên đền Hùng, còn nhân dân vẫn có thể tổ chức làm bánh theo ý nguyện ở địa phương", ông Liêm nói.
Cũng trong sáng nay, ông Hoàng Khắc Nhu - Phó chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết, thành phố chưa nhận được văn bản phản hồi chính thức của UBND tỉnh về sự việc, tuy nhiên quan điểm là "chấp hành theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.
Trước phản ứng của dư luận đánh giá làm bánh giầy cỡ lớn là phô trương, sẽ gây lãng phí, ông Nhu cho rằng, trong tất cả các lĩnh vực, khi có ý tưởng mới đều không tránh được những ý kiến trái chiều, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa tâm linh.
“Hiểu thế nào là tốn kém. Làm mà không ăn được là tốn kém nhưng làm ăn được thì sẽ có hiệu ứng, tăng sức khỏe của người dân lên, nhất là thánh lộc nữa. Ai hiểu chưa ăn được là không đúng, chúng tôi đã làm năm trước và ăn được”, ông Nhu nói và dẫn giải, những hình ảnh, video bánh giầy thành phố làm năm 2017 vẫn còn trên mạng, nếu ai chưa hiểu, vào đó xem sẽ rõ.
Theo ông Nhu, kinh phí làm bánh giầy được huy động từ nguồn xã hội hóa. “Nếu tính mấy tấn thì nhiều nhưng thực tế quy ra tiền không đáng bao nhiêu. Gạo nếp 20.000/kg, một tấn chỉ mất 20 triệu đồng”, ông Nhu nói và cho hay, nếu được cho phép, lãnh đạo thành phố tin người dân nào cũng muốn đóng góp một phần công sức.
Về ý tưởng, ông Nhu lý giải, từ thời vua Hùng đến các đời vua sau này, mọi của ngon vật lạ, người dân đều tiến vua. “Lần này làm bánh là xuất phát từ lòng thành của chúng tôi. Chúng tôi dâng lên Đức vua, theo phong tục tập quán của người Việt Nam chứ không có mục đích gì”, ông Nhu nói.