Gần 30 năm làm việc tại trạm y tế xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, ông Lâm nhiều lần chứng kiến các trường hợp nguy kịch cần phải chuyển tuyến, nhưng gia đình người bệnh khó khăn kinh tế hoặc hạn chế phương tiện.
Như trường hợp sản phụ được đưa đến trạm vào năm 2004, chuyển dạ, ối vỡ, mất nhiều máu, dù các bác sĩ hết lòng cứu chữa, nhưng tiên lượng người bệnh nguy kịch, cần chuyển viện. Bác sĩ và người nhà gọi xe cứu thương, song hơn một giờ sau mới có phương tiện đưa sản phụ đến cơ sở y tế tuyến trên.
"Nếu chậm một chút nữa thì tính mạng mẹ con sản phụ rất khó giữ", ông Lâm kể, thêm rằng một số trường hợp gặp tai nạn giao thông, sinh hoạt, cần chuyển tuyến gấp nhưng xe cứu thương ở xa, trong khi xe dịch vụ ở địa phương cũng khan hiếm. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe, thậm chí sinh mạng người dân.
Năm 2010, tranh thủ thời gian nghỉ phép và cuối tuần, ông Lâm đăng ký học lái xe, nung nấu ý định sắm ôtô riêng để hỗ trợ người bệnh. Vợ của ông Lâm đã can ngăn chồng, cho rằng quãng đường từ nhà đến trạm y tế chỉ hơn một km, không cần sắm.
"Tuy nhiên, khi tôi tâm sự ý tưởng mua xe để hỗ trợ người nghèo thì bà xã hoàn toàn đồng ý", ông kể.
Hai năm sau, bán lứa bò được hơn 50 triệu đồng, vay thêm người thân cộng số vốn gom góp nhiều năm, vợ chồng ông Lâm mua một ôtô cũ giá 350 triệu đồng. Kể từ đó, chiếc xe của ông trở thành phương tiện miễn phí chở bệnh nhân nguy kịch.
"Nhớ nhất là hành trình chở một sản phụ sức khỏe yếu lên bệnh viện huyện. Khi chưa tới nơi, chúng tôi phải dừng bên vệ đường để làm bà đỡ. May mắn, em bé sinh ra an toàn, sau đó được đưa vào viện cùng mẹ", ông Lâm nhớ lại.
Năm 2021, vị phó trạm y tế bán xe cũ, mua một xe 7 chỗ ngồi với số tiền 700 triệu đồng. Chiếc xe đã thực hiện hàng chục chuyến đi 0 đồng, dành cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi đại dịch bùng phát, ông Lâm cũng tình nguyện chở các F0, F1, F2 đi cách ly y tế, vận chuyển nhu yếu phẩm.
Là bệnh nhân chạy thận nhiều năm tại bệnh viện ở thành phố Vinh, ông Lê Đình Tâm, 59 tuổi, trú xã Thanh Hòa, huyện Thanh Chương, cho biết bản thân từng được ông Lâm chở miễn phí ba chuyến xe 0 đồng. Ông Tâm và các bệnh nhân cùng xe ngỏ ý gửi tiền xăng, song vị phó trạm y tế một mực từ chối.
"Có lần chú ấy còn cho tôi vài trăm nghìn để khám bệnh và sinh hoạt", ông Tâm nói.
Còn ông Trần Đình Truyền, Chủ tịch UBND xã Thanh Nho, cho biết việc làm của một cá nhân có tâm như ông Lâm là rất ý nghĩa, phần nào chia sẻ được những hoàn cảnh khó khăn, nguy cấp trong cuộc sống.
Văn Hải