Từ ngày 1 đến 3/8, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tổ chức lễ hội sâm với chủ đề "Tỏa sáng Ngọc Linh".
Hơn 40 người dân từ ba xã của huyện Nam Trà My đã mang sâm tự trồng ở vườn nhà đến dự cuộc thi trong khuôn khổ lễ hội. Trong đó, ông Trần Văn Dũng (xã Trà Linh) sở hữu cây sâm nặng gần 300 gram, được Ban giám khảo đánh giá là một trong những sản phẩm có hình dáng đẹp, củ to nhất tại hội thi.
"Củ sâm của ông Dũng khoảng trên 10 năm tuổi, bộ rễ to hơn hẳn các cây sâm dự thi khác", một thành viên Ban giám khảo nói.
Ngay sau khi củ sâm của ông Dũng được Ban giám khảo chấm điểm, hàng chục thương lái vây quanh hỏi mua và trả giá trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Dũng không bán mà cho hay sẽ đưa về trồng lại ở vườn nhà để sang năm cây cho hạt.
"Cây này có hai nhánh, mỗi năm cho ra hơn 80 hạt nên tôi đem về vườn trồng để làm sâm giống", ông Dũng nói và cho hay vườn sâm của gia đình có khoảng 5.000 cây.
Anh Hồ Văn Lượng (xã Trà Linh) mang ba cây sâm đến dự thi, gồm một cây trên 10 năm tuổi, một cây 5 tuổi và cây còn lại một tuổi.
"Tôi theo nghề trồng sâm gần 30 năm qua và hiện có khoảng trên 10.000 cây. Lần này đi thi, tôi chọn cây có củ to, rễ phát triển đều, lá và thân thẳng để mong đoạt giải", anh Lượng chia sẻ.
Củ sâm trên 10 năm tuổi của anh Lượng cân nặng hơn 200 gram, được thương lái trả giá hơn 80 triệu đồng, tuy nhiên anh chưa bán mà chờ có người mua cao hơn.
Chị Nguyễn Hồng Thương (xã Trà Cang) mang hai cây sâm 3 năm tuổi và một năm tuổi đi thi. Cũng như nhiều hộ dân ở huyện Nam Trà My, gia đình chị Thương trồng sâm trên dãy núi Ngọc Linh với số lượng hàng nghìn cây.
"Tôi không mong trúng giải mà chỉ nghĩ đây là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm về cách trồng và chăm sóc sâm đạt năng suất cao", chị Thương chia sẻ.
Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My nói, hội thi được tổ chức thường niên nhằm tạo sân chơi cho người dân và góp phần đưa nghề trồng sâm trên địa bàn phát triển bền vững.
"Ban giám khảo sẽ tìm ra những cây sâm đẹp nhất, có hình dáng đẹp, cân đối cả rễ, thân cây và củ để trao giải vào ngày 3/8", ông Quý nói.
Sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng trồng trên ngọn núi cao nhất miền Trung, dùng để chữa bệnh. Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng ra bảy xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với 30.000 ha, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia.